Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết dự án “Hỗ trợ Hội đồng Tư vấn Du lịch xây dựng Quỹ Phát triển du lịch và Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến” đã diễn ra chiều 18/1, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) báo cáo kết quả dự án thí điểm Xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2021.
Dự án xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) do Phái đoàn EU tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) từ năm 2019. Dự án hướng tới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của từng địa phương, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế du lịch, xây dựng định hướng phát triển trong tương lai.
Năm 2019, Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam đánh giá thí điểm 5 điểm đến, gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam.
Năm 2020-2021, Phái đoàn EU tiếp tục hỗ trợ đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch trên phạm vi 15 tỉnh, thành phố dựa trên những tiêu chí khác nhau. Dự kiến, EU sẽ bàn giao Bộ chỉ số này cho TAB và Ban IV từ đầu năm 2022 để tiếp tục phát triển, vận hành, nhằm tạo dựng một kênh đánh giá khách quan, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Năm nay, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch với 4,7 điểm, xếp sau là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hòa (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm) và Thừa Thiên - Huế (4,52 điểm). Trong số 15 tỉnh thành, hai trung tâm của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, lần lượt xếp thứ 6 và thứ 8. Cần Thơ là địa phương xếp cuối bảng báo cáo này.
Ông Kai Partale, chuyên gia dự án VTCI cho biết Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất nhờ các chỉ số tích cực trong rất nhiều tiêu chí liên quan đến du lịch, như khả năng tiếp cận hàng không, tính bền vững về môi trường, hiệu quả trong tiếp thị và quảng bá thương hiệu để thu hút khách du lịch, chất lượng hạ tầng du lịch, mức độ an toàn và vệ sinh... Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn phải cải thiện các hạn chế về sự cố và tai nạn đối với khách du lịch, sức cạnh tranh về giá, mức độ hài lòng với các điểm tham quan...
Trái ngược lại, năng lực cạnh tranh du lịch của TP.Cần Thơ được đánh giá cao ở các tiêu chí như an ninh và an toàn hay sức khỏe và vệ sinh. Tuy nhiên các chỉ số sức cạnh tranh về giá, hạ tầng dịch vụ du lịch và tài nguyên tự nhiên của TP.Cần Thơ bị đánh giá ở mức thấp nhất trong số 15 địa phương.
Theo ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban IV, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp các tỉnh, thành phố có cơ sở khoa học để định hướng phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu dựa trên những nguyên tắc cơ bản là đối thoại với các bên liên quan.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, việc đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch sẽ giúp các địa phương nhìn lại mình, từ đó có các giải pháp căn cơ, bài bản để thu hút khách du lịch. Cả 15 địa phương cần nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, chuẩn bị sản phẩm du lịch và liên kết với các tỉnh thành khác để đón khách hiệu quả nhất là giai đoạn phục hồi trở lại.
Bộ Chỉ số được xây dựng trên một hệ thống gồm hơn 70 chỉ số đánh giá khác nhau về năng lực cạnh tranh du lịch.
Phương pháp tiếp cận dựa trên các chỉ số Năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Hệ thống các chỉ số được lựa chọn phù hợp với đặc thù của Việt Nam, bao gồm: môi trường kinh doanh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, mức độ ưu tiên cho lữ hành và du lịch, môi trường bền vững, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.