Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4h ngày 27/10, bão số 6 (bão Trà Mi) ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 133km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 9 - 10 (89-102km/h), giật cấp 13.
Tại TP. Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-10, vùng gần giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động rất mạnh.
Nước dâng do bão vùng ven bờ, từ sáng ngày 27/10, ven biển TP. Đà Nẵng có khả năng xuất hiện nước dâng cao từ 0,4-0,6m.
Trên đất liền, gió mạnh: Tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu, Hải Châu và Cẩm Lệ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; huyện Hòa Vang có gió mạnh dần lên cấp 5-6, giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6 nên từ sáng sớm nay (27/10) đến hết ngày 28/10 tại TP. Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu phổ biến 150-350mm, có nơi trên 400mm; quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phổ biến 200-350mm, có nơi trên 450mm; quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm; huyện đảo Hoàng Sa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).
Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã triển khai ngay phương án sơ tán dân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn. Công tác tổ chức di dời dân hoàn thành trước 22 giờ ngày 26/10.
Tại Đà Nẵng, chiều 26/10, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND về việc ứng phó với bão số 6, yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 6, mưa lũ; triển khai ngay phương án sơ tán dân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn. Trong đó ưu tiên sơ tán trước tại các khu vực nguy cơ cao do mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.
Công điện của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) hạn chế ra khỏi nhà bắt đầu từ 10 giờ ngày 27/10.
UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định; tổ chức kéo tàu thuyền công suất nhỏ lên bờ, hoàn thành trước 10 giờ 00 ngày 27/10.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan hướng dẫn các chủ tàu du lịch neo đậu an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các thuyền viên rời khỏi tàu thuyền lên bờ trú ẩn an toàn trước 10 giờ 00 ngày 27/10.
Công an TP. Đà Nẵng, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thành lập các đội cứu hộ, cứu nạn để thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có phương án đảm bảo an toàn tại khu vực, tạm dừng việc khai thác khoáng sản bắt đầu từ 17 giờ ngày 26/10.
Sở Xây dựng chủ trì, cùng với các sở chuyên ngành xây dựng phối hợp với các UBND các quận, huyện chỉ đạo các ban quản lý dự án, chủ đầu tư yêu cầu tất cả các nhà thầu thi công xây dựng dừng thi công, khẩn trương hạ cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao, đảm bảo an toàn tại khu vực.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng không, các hãng hàng không đã tạm ngừng khai thác máy bay tại các sân bay, cụ thể: Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 27/10; Sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) từ 6 giờ đến 22 giờ ngày 27/10; Sân bay Đà Nẵng từ 6 giờ ngày 27/10 đến 4 giờ ngày 28/10 và sân bay Chu Lai (Quảng Nam) từ 10 giờ ngày 27/10 đến 10 giờ ngày 28/10.
Tỉnh Quảng Nam đã sơ tán xen ghép tại chỗ 78 hộ/222 người trên đảo Cù Lao Chàm. Tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán xen ghép tại chỗ 134 hộ/412 người trên đảo Lý Sơn...
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Nam, đến chiều tối ngày 26/10 đã có 324 hộ dân với 1.094 nhân khẩu tại các huyện Duy Xuyên, Phước Sơn, Tây Giang được sơ tán. Trong đó, sơ tán tập trung 59 hộ/328 nhân khẩu, sơ tán xen ghép 265 hộ/766 nhân khẩu.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam thành lập 28 tổ công tác với 202 cán bộ, chiến sĩ, 5 ca nô phối hợp với các địa phương triển khai các phương án ứng phó bão; thực hiện ứng trực sẵn sàng sơ tán 1.046 hộ với 3.981 nhân khẩu đến nơi an toàn theo phương án của địa phương.
Một số khách sạn, resort ở tỉnh Quảng Nam cũng chuẩn bị nhiều phòng ở và cung cấp bữa ăn hàng ngày để đón người dân trong khu vực nguy hiểm đến tránh bão.
Tại các vị trí xung yếu như khu vực cảng Kỳ Hà, cảng Chu Lai, cảng Cửa Đại, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam khẩn trương huy động lực lượng các đồn biên phòng và thành lập các tổ công tác đến kiểm soát, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu cá, tàu du lịch, tàu vận tải biển. Đồng thời hướng dẫn chủ phương tiện chằng chống đúng kỹ thuật để phòng ngừa phương tiện va đập, hư hại do sóng to, gió lớn.