December 06, 2022 | 15:55 GMT+7

Đà Nẵng quy hoạch phân khu cảng Liên Chiểu trên diện tích hơn 1.293 ha

Ngô Anh Văn -

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 359/QĐ-TTg, toàn thành phố tổ chức thành 12 phân khu, trong đó có phân khu cảng biển Liên Chiểu thuộc vùng ven mặt nước, là khu phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics và khu đô thị cảng biển nhằm tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistic quốc tế hiện đại...

Sơ đồ quy hoạch phân khu bến cảng Liên Chiểu
Sơ đồ quy hoạch phân khu bến cảng Liên Chiểu

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, cho biết thành phố Đà Nẵng đang triển khai lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch phân khu cảng Liên Chiểu tỷ lệ 1/2000. Theo quy hoạch phân khu cảng Liên Chiểu trong khu vực thiết kế tuyến đường sắt hiện hữu chạy dọc theo tuyến quốc lộ 1A có ga đường sắt Kim Liên phù hợp với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 ga Kim Liên sẽ được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt của cảng Liên Chiểu

Phân khu cảng Liên Chiểu có diện tích hơn 1.293 ha, trong đó có hơn 1.081ha thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và gần 212 ha thuộc xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), TP. Đà Nẵng; phía Bắc và phía Tây giáp với phân Khu sinh thái phía Tây thành phố, phía Nam giáp sông Cu Đê (huyện Hòa Vang), phía Đông giáp Vịnh Đà Nẵng (thuộc địa bàn quận Liên Chiểu).

Về dân cư nằm trong khu vực lập quy hoạch trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc có khoảng 15.380 người, tương đương 4.200 hộ, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, và buôn bán nhỏ. Dân cư nằm trong khu vực lập quy hoạch trên địa bàn xã Hòa Liên khoảng 460 người, tương đương 125 hộ, phần lớn lao động làm nông nghiệp, số còn lại là công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Hòa Khánh và một số ít là lao động tự do thuộc lĩnh vực xây dựng.

Theo đề án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021, toàn thành phố tổ chức thành 12 phân khu, trong đó có phân khu cảng biển Liên Chiểu thuộc vùng ven mặt nước, là khu phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics và khu đô thị cảng biển nhằm tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistic quốc tế hiện đại.

Hiện nay, đây là khu vực có nhiều dự án đang và chuẩn bị triển khai cũng như có nhiều dự án đang cần lập quy hoạch phân khu để xác định cụ thể các chức năng sử dụng cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu về dân số…

Riêng đối với khu bến cảng Liên Chiểu, hiện tại đã có cơ sở hạ tầng gồm: bến chuyên dùng hàng rời và hàng lỏng gồm các bến xăng dầu PETEC, PTSC, xăng dầu hàng không. Theo quy hoạch mới thì cảng Liên Chiểu sẽ đầu tư xây dựng khu bến tổng hợp, container để giảm áp lực hàng hóa thông qua khu bến Tiên Sa, tránh ùn tắc giao thông khu vực nội thành Đà Nẵng và từng bước đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 teus (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 teus -200.000 DWT trong dài hạn. Quy mô quy hoạch gồm 8 bến container với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000 - 200.000 DWT.

Quy hoạch khu bến cảng Liên Chiểu gồm: Khu bến tổng hợp, theo quy hoạch tiếp nhận được tàu đến 100.000 DWT, với tổng số lượng bến chiều dài bến là 6 bến/1.550m; Khu bến thuỷ nội địa theo quy hoạch cho các tàu, sà lan đến 5.000 DWT, tổng chiều dài 1.200m; Khu bến hàng lỏng/khí theo quy hoạch cho cỡ tàu đến 30.000 DWT, với quy mô gồm 6 bến, bố trí tại khu vực đê chắn sóng và Khu vực bến bãi...

Song song với việc lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch phân khu cảng Liên Chiểu tỷ lệ 1/2000, thành phố Đẵng cũng đã và đang tổ chức triển khai rà soát, điều chỉnh, lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của quy hoạch chung, làm cơ sở xác định các dự án đầu tư, lập quy hoạch chi tiết và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate