June 09, 2023 | 15:12 GMT+7

Đà Nẵng sẽ nâng mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Nhật Dương -

Năm 2023, TP. Đà Nẵng sẽ phấn đấu hoàn thành các thủ tục trình chính sách nâng mức hỗ trợ xây và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình; các chính sách phát triển sản xuất, việc làm, dạy nghề, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2023, TP. Đà Nẵng tập trung đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục đầu tư đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là quan tâm đến người có công, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội với chủ đề năm ”Khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm an sinh xã hội”.

Riêng đối với công tác giảm nghèo, Thành ủy TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 và hàng năm để triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đề nghị các sở, ngành phối hợp tiếp tục nghiên cứu rà soát tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân bổ sung các chính sách giảm nghèo mang tính bền vững, phù hợp với tình hình phát triển của thành phố.

Trước mắt, kịp thời hoàn thành các thủ tục trình chính sách nâng mức hỗ trợ xây và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình; các chính sách phát triển sản xuất, việc làm, dạy nghề, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Phó Chủ tịch Ngô Thị Kim Yến cũng lưu ý, các ngành theo dõi giám sát các cơ sở y tế trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh đối với hộ nghèo chuẩn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hộ nghèo, hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ thông tin, hỗ trợ kết nối cơ sở dữ liệu hộ nghèo; tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền vận động người nghèo tham gia học nghề, giới thiệu việc làm.

Đối với các địa phương, cần tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tiếp cận đầy đủ và kịp thời các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở….

Đặc biệt là tập trung về giải pháp cho vay vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu, tạo việc làm xây dựng và duy trì thực hiện các mô hình giảm nghèo.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác đối thoại giảm nghèo, nắm tâm tư, nguyện vọng cụ thể, xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với từng hộ, có giải pháp, chính sách phù hợp, phân công theo dõi, hỗ trợ trong công tác giúp hộ thoát nghèo, nhất là hộ nghèo còn sức lao động chuẩn Trung ương, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

“Phải xác định đây là nhiệm vụ chung, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tập trung huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác vận động xã hội hóa trong công tác giảm nghèo; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên từng địa bàn và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”, Phó Chủ tịch Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

Trước đó, năm 2022, do tác động của dịch Covid-19, thiên tai bão lũ đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn thành phố nên mục tiêu giảm hộ nghèo chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo kết quả rà soát của các địa phương, có 3.124 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 1,04%; phát sinh 402 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 0,134%; hộ nghèo còn sức lao động còn lại đến cuối năm là 6.271 hộ, chiếm tỷ lệ 2,09%/tổng số hộ dân cư, đạt 95,7% so với kế hoạch Hội đồng nhân dân thành phố giao; có 1.531 hộ thoát cận nghèo, phát sinh 585 hộ cận nghèo, số hộ cận nghèo cuối năm là 4.165 hộ, chiếm tỷ lệ 1,39%.

Trong bối cảnh khó khăn chung, thành phố vẫn rất quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Các địa phương trên địa bàn đã vận dụng lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế, chương trình giải quyết việc làm tạo điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo được tiếp cận với vốn vay, tạo việc làm, học nghề, giới thiệu việc làm thông qua các phiên chợ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate