“Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây cho thấy, PCI của Đà Nẵng năm 2021 tăng một bậc so với giai đoạn 2018-2020, lên vị trí thứ 4 cả nước. Đây là tín hiệu tốt cho Đà Nẵng nói chung và cho cộng đồng doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng nói riêng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2013-2016 (4 năm liên tục đứng nhất bảng xếp hạng PCI cả nước), thứ hạng PCI của năm 2021 lại tụt hạng.
Việc so sánh với chính mình của ngày hôm qua sẽ giúp Đà Nẵng trả lời được câu hỏi vì sao mình tụt hạng và cần phải làm gì để nâng hạng, quay trở lại vị trí quán quân. Ngoài ra, việc so sánh với các địa phương khác cũng giúp hiểu được vì sao có những địa phương trước đây họ cách rất xa vị trí quán quân nhưng hiện giờ đã bứt phá, tăng tốc vào “top đầu” và thậm chí là “quán quân”.
Những so sánh này sẽ giúp Đà Nẵng “chiết xuất” được những gì tốt nhất cho Đà Nẵng có thể áp dụng phù hợp với tình hình mới, để duy trì và nâng hạng không chỉ vị trí trong bảng xếp hạng PCI; mà hơn cả là vị trí sự trong đánh giá của các nhà đầu tư, và thực tiễn hơn nữa là trong đời sống nhân dân Đà Nẵng và những người yêu mến Đà Nẵng.
Nếu nhìn vào cơ hội đầu tư – kinh doanh của Đà Nẵng trong tương lai, không chỉ là PCI (bởi sự cải thiện này là không đáng kể nếu so với chính Đà Nẵng), điều quan trọng là Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển như mục tiêu đặt ra. Vấn đề hiện tại là Đà Nẵng sẽ hiện thực hóa những tiềm năng, lợi thế này như thế nào? Câu trả lời nằm ở “nhân hòa” khi “thiên thời, địa lợi” đã hội tụ đủ.
Xét trong tổng thể Việt Nam, Đà Nẵng nằm ở vị trí đẹp nhất miền Trung kết nối 2 miền Nam Bắc với vị trí địa lý hướng mặt ra đại dương lớn nhất thế giới, tựa lưng vào khối lục địa cũng lớn nhất thế giới, có đường bờ biển dài với những bãi biển đẹp nhất hành tinh, có bán đảo, có núi, đặc biệt là có sân bay quốc tế, cảng quốc tế, có các khu công nghiệp/công nghệ cao với hạ tầng tốt… cơ hội đầu tư – kinh doanh tại Đà Nẵng rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực ưu thế của địa phương như logistics, kinh tế biển, du lịch, giáo dục – y tế chất lượng.
Song để tối ưu hóa những lợi thế, sở trường mà Đà Nẵng sẵn có, như tôi đã nói, “nhân hòa” chính là yếu tố giúp Đà Nẵng thành công. Bởi con người tạo ra chính sách, con người giám sát chính sách và cũng thực thi chính sách.
Các chính sách cần có tính xuyên suốt, ổn định, dễ dự đoán, tránh sự thay đổi bất ngờ không báo trước. Các chính sách cần được thiết lập cho tương lai và trong dài hạn, vì với công nghệ thay đổi từng giờ như hiện nay, nếu thiết kế chính sách cho hiện tại (chính sách luôn có độ trễ) thì khi ban hành đã bị lạc hậu.
Bởi các nhà đầu tư không phân biệt trong và ngoài nước đều tính toán kế hoạch trong dài hạn (thông thường một vài năm đầu rất khó để có lãi) nên nếu chính sách không thể nhìn trước được tương lai và trong dài hạn thì sẽ đẩy các nhà đầu tư vào thế khó khi không kịp có kế hoạch thích ứng với tình thế.
Tương tự như du lịch, logistics cũng là một ngành kinh tế tổng hợp đòi hỏi sự liên thông, xuyên suốt về chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đầu tư công và hợp tác công tư. Có như vậy mới kêu gọi được nguồn lực tư nhân rất dồi dào và đảm bảo sự an toàn cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh vận hành các dự án tại Đà Nẵng”.
“Trong những năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và môi trường làm việc, Đà Nẵng đang từng bước phát triển thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và cả nước.
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics…
Để thực hiện mục tiêu đầy khát vọng, Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế, dư địa phát triển và những thách thức không nhỏ. Ngoài vị trí địa lý, môi trường tự nhiên thuận lợi, hạ tầng đô thị phát triển như cảng hàng không, cảng biển, đường sắt, đường bộ trục cao tốc Bắc –Nam... những năm gần đây, bằng ý chí, quyết tâm, sự năng động của lãnh đạo, sự đồng lòng của người dân, Đà Nẵng đã thay đổi từng ngày, trở thành nơi đáng sống, nơi có điều kiện thu hút, nuôi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và quản lý chất lượng cao.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng luôn được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Đà Nẵng luôn trong Top 4 địa phương dẫn đầu cả nước. Theo báo cáo PCI 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid19, Đà Nẵng có 5 chỉ số đạt điểm cao nhất trong vòng 5 năm qua, gồm: Tiếp cận đất đai (7,51/10 ); Chi phí không chính thức (7,29/10 điểm); Tính năng động của chính quyền tỉnh (7,01/10 điểm); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,57/10 điểm); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,33/10 điểm).
Theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để hình thành và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Đề xuất này nhằm khai thác lợi thế của Thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và thế giới, đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các thị trường tài chính truyền thống. Đồng thời, giúp đa dạng các sản phẩm tài chính gắn liền với phát triển kinh tế số, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.
Về mục tiêu trở thành trung tâm logistics khu vực, Đà Nẵng đã có kế hoạch xây dựng 5 trung tâm logistics lớn tại các đầu mối giao thông và khu công nghiệp, gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics đường sắt Hòa Liên, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logistics công nghệ cao Đà Nẵng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài nguồn vốn của Trung ương và địa phương, nguồn vốn của các công ty, tập đoàn kinh tế trong nước, thì nguồn vốn của các doanh nghiệp FDI cũng hết sức quan trọng. Đây là nguồn vốn có chất lượng cao về công nghệ và quản lý, việc thu hút đầu tư nước ngoài từ các quốc gia phát triển là nhu cầu, dư địa và tiềm năng rất lớn của Đà Nẵng.
Theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, với quyết tâm của các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Đà Nẵng hội đủ điều kiện tạo bước đột phá thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo nội dung Nghị quyết 43-NQ/TW.
Chọn lọc thu hút các dự án FDI phù hợp quy hoạch phát triển, đánh giá doanh nghiệp FDI theo các tiêu chí Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất, xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến thu hút FDI thực chất và hiệu quả là những giải pháp cần thiết. Với tiềm năng thu hút FDI chất lượng cao rất lớn và cơ chế đặc thù, có thể thành lập tổ công tác đặc biệt của thành phố về thu hút FDI theo mô hình tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
Đối với thu hút FDI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và logistics, là hai lĩnh vực mà nếu thu hút được dòng vốn FDI chất lượng từ các quốc gia phát triển, sẽ có tác dụng kết nối và lan tỏa rất lớn nội địa và quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính và logistics quốc tế.
Tuy vậy, việc thu hút các dự án FDI trong hai lĩnh vực này còn những hạn chế nhất định. Theo đó, về chính sách, cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp tháo gỡ theo hướng vận dụng cơ chế đặc thù vừa đảm bảo mục tiêu phát triển vừa đảm bảo lợi ích quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam”.
“Đà Nẵng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, là cửa ngõ quan trọng của khu vực Đông Nam Á và hội tụ đầy đủ các loại hình vận tải từ hàng không, cảng biển, đường sắt, các tuyến cao tốc… Do đó, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển logistics.
Đà Nẵng xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong việc kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đà Nẵng hội tụ những yếu tố quan trọng về hạ tầng cơ sở để đầu tư phát triển ngành logistics. Những năm gần đây, Đà Nẵng không ngừng đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng, mở rộng giao thông đường bộ, nâng công suất sân bay, cảng biển,…
Trong đó, Cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp, container, du lịch quốc tế trọng điểm và là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung Việt Nam. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm cuối cùng của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nối liền 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho toàn khu vực.
Tuy nhiên, các dịch vụ hoạt động logistics tại Đà Nẵng còn manh mún và phân mảnh, không có tính liên kết tạo chuỗi dịch vụ giữa các doanh nghiệp, chủ yếu là giao nhận vận tải cơ bản, phụ thuộc chỉ định dịch vụ của các tổ chức kinh tế nước ngoài; phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp.
Bên cạnh đó, phần lớn hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân và liên doanh dành cho cung cấp dịch vụ logistics quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa quốc tế ngày một gia tăng qua khu vực Đà Nẵng.
Đồng thời, việc thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực logistics cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển logistics tại Đà Nẵng.
Để phát triển lĩnh vực logistics, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút FDI vào Đà Nẵng, với vai trò là doanh nghiệp bưu chính quốc gia, Vietnam Post có một số đề xuất như sau:
Một là, phát triển logistics gắn với nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng, thông qua việc tập trung phát triển hạ tầng, hình thành các trung tâm logistics đúng nghĩa và đủ khả năng cung ứng đa dịch vụ như kho bãi tiêu chuẩn, hiện đại, dịch vụ khai báo hải quan, dịch vụ cảng, vận tải thủy nội địa kết hợp đường biển quốc tế. Đồng thời phát triển các trung tâm logistics phù hợp với quy hoạch cũng như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và quốc gia.
Hai là, đẩy mạnh phát triển các hiệp định thương mại xuyên biên giới, nhất là với nước bạn Lào để thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu của Lào thông qua Cảng Tiên Sa-Đà Nẵng. Song song đó, cần đơn giản hóa các thủ tục hải quan quá cảnh sang Lào, giảm chi phí khai báo hải quan
Ba là, tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong lĩnh vực logistics để nâng cao hiệu quả, tối ưu năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, tiến tới hình thành hệ sinh thái logistics bền vững tại Đà Nẵng.
Bốn là, xây dựng chuỗi cung ứng lạnh (kho lạnh gắn với Cảng Tiên Sa); có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thủ tục, chi phí địa phương cho nhập khẩu hệ thống phát triển chuỗi cung ứng lạnh như đầu kéo xe lạnh, dàn lạnh công nghiệp,… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng lạnh.
Trên nền tảng cơ sở hạ tầng bưu chính lớn nhất quốc gia đến thời điểm hiện tại, Vietnam Post đã và đang cung cấp đa dạng các dịch vụ toàn diện cho chuỗi cung ứng bao gồm: Dịch vụ khai báo hải quan, vận tải đa mô hình (nội địa, xuyên biên giới, đường biển, đường hàng không, 5PL,...), dịch vụ hoàn tất đơn hàng, giao hàng chặng cuối,...
Với hệ thống kho bãi đa mô hình, các trung tâm logistics trải dài theo trục khu công nghiệp lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm cùng mạng lưới vận chuyển phủ rộng 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Vietnam Post đã khẳng định bước tiến vững chắc của một doanh nghiệp bưu chính trong lĩnh vực logistics, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động logistics của nước nhà”.
VnEconomy 24/06/2022 07:00