December 22, 2021 | 15:55 GMT+7

Đà Nẵng sẽ thu hút đầu tư bằng công nghiệp hỗ trợ

Các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển là các ngành công nghiệp sản xuất, gia công nguyên liệu, vật liệu, sản xuất linh kiện và phụ tùng để tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp điện tử…

Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, gia công nguyên liệu, vật liệu, sản xuất linh kiện và phụ tùng.
Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, gia công nguyên liệu, vật liệu, sản xuất linh kiện và phụ tùng.

Do tác động tiêu cực của đại dịch bệnh Covid-19, hai năm qua (2020-2021), bức tranh kinh tế của Đà Nẵng không có nhiều điểm sáng, nhiều lĩnh vực phát triển bị chững lại, hoặc có mức tăng trưởng âm; đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dịch vụ-ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp lại ít bị tác động, có những lĩnh vực như: công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao bị ảnh hưởng không đáng kể bởi dịch bệnh, năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng dương.

Để ngành công nghiệp của thành phố phát triển theo hướng bền vững, song song với việc tập trung hoàn thiện sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, Đà Nẵng đang thực hiện chuyển hướng hỗ trợ đầu tư mạnh cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp điện tử.

Cùng với đó, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đồng thời xác định đây là một trong những trụ cột để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.

TỪ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ

Quyết tâm chính trị được thể hiện rõ nhất, đó là Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 01- NQ/TƯ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Từ đó, đặt ra yêu cầu và tạo quyết tâm cho từng cấp, từng ngành trong hệ thống chính trị của thành phố xây dựng định hướng, đề ra giải pháp, thực hiện các chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố.

Các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố bao gồm: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử; xây dựng và quảng bá thương hiệu, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí sử dụng hạ tầng và bảo vệ môi  trường; xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hằng năm...

Theo bà Phan Thị Hiệp, Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp thuộc Sở Công thương Đà Nẵng, trong định hướng phát triển của thành phố các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển là các ngành công nghiệp sản xuất, gia công nguyên liệu, vật liệu, sản xuất linh kiện và phụ tùng để tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp điện tử để cung ứng cho thị trường.

ĐẾN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI HẤP DẪN

Để kết nối, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, tại kỳ họp thứ Tư (ngày 17/12/2021), Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết Quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, có nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Thành phố sẽ hỗ trợ 100% chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ; hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (tối đa không quá 250 triệu đồng/doanh nghiệp); hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (tối đa không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp).

Đối với các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được thành phố hỗ trợ 100% chi phí thuê chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp).

Hỗ trợ 100% chi phí hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí

Hỗ trợ tối đa đến 70% chi phí về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (mức hỗ trợ tối đa là 500 triệu đồng/dự án); hỗ trợ tối đa đến 70% chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm (mức hỗ trợ tối đa là 1 tỷ 500 triệu đồng/dự án, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 02 dự án).

Hỗ trợ tối đa đến 70% chi phí cho các dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (mức hỗ trợ tối đa là 1 tỷ 500 triệu đồng/dự án).

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tự đầu tư nghiên cứu phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất sản phẩm công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa đến 70% chi phí cho tổ chức, cá nhân đã tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ thay thế công nghệ nhập khẩu hoặc công nghệ triển khai ứng dụng vào sản xuất có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế.

Hỗ trợ tối đa đến 70% chi phí tiếp nhận chuyển giao công nghệ độc lập gồm: mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, bí quyết công nghệ; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm; thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ cao hoặc công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (mức hỗ trợ tối đa từ 30 đến 50% chi phí tùy theo loại hình doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 03 dự án)

Tổng kinh phí hỗ trợ đối với các doang nghiệp hỗ trợ trong nước tự đầu tư nghiên cứu phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không vượt quá 05 tỷ đồng/doanh nghiệp trong một năm…

Đại diện Sở Công thương Đà Nẵng cũng cho biết thêm, tất cả các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các doanh nghiệp có vố đầu tư nước ngoài đều được thành phố khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Qua đó tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài nước, kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng cho quá trình sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh của các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate