Thời gian qua, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan đơn vị, ban ngành triển khai kế hoạch chi tiết chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, qua đó đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã ra đời và đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Đối thoại chuyên đề “Đà Nẵng chuyển đổi số để phát triển”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng, đã nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Sở Công Thương Đà Nẵng cùng đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
ĐÀ NẴNG DẪN ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại buổi đối thoại, TS. Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, cho biết Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đã xác định mục tiêu đến 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng đô thị thông minh trong nước và trong khu vực ASEAN.
"So với nhu cầu của người dân và phát triển của Thành phố, công cuộc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong 5-10 năm tới". Cơ sở viễn thông, công nghệ thông tin của Thành phố được đầu tư đồng bộ, hình thành các cơ sở dữ liệu nền, chuyên ngành, đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4, triển khai các nền tảng ứng dụng thành phố thông minh, đặc biệt vừa qua đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả thiết thực.
Nghị quyết Đảng bộ lần thứ 22 của Thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm đột phá là: đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin gắn với khởi nghiệp, sáng tạo, thành phố thông minh; tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hộ số và chính quyền số.
Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 05 ngày 7/6/2021 và Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến 2030 tại Quyết định 2870 ngày 28/8/2021, trong đó xác định chuyển đổi số là động lực mới và là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển thành phố, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia quá trình chuyển đổi số của Thành phố.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Hồ Kỳ Minh, cơ sở viễn thông, công nghệ thông tin của Thành phố được đầu tư đồng bộ, hình thành các cơ sở dữ liệu nền, chuyên ngành, đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4, triển khai các nền tảng ứng dụng thành phố thông minh, đặc biệt vừa qua đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả thiết thực.
Đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2021 đóng góp 8,2% GDP của Thành phố và là một trong những trụ đỡ chính vào tăng trưởng chung của Đà Nẵng. Các kết quả đó đã giúp Thành phố dẫn đầu Chỉ số Chuyển đổi số các tỉnh năm 2020 theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, đạt Giải thưởng Thành phố thông minh châu Á – Thái Bình Dương năm 2019, Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2020-2021, Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2020-2021.
Mặc dù vậy, TS. Hồ Kỳ Minh cũng thừa nhận so với nhu cầu của người dân và phát triển của Thành phố, công cuộc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong 5-10 năm tới, đồng thời vẫn còn một số vướng mắc, điểm nghẽn cần được giải quyết tháo gỡ. Để chuyển đổi số thành công, Thành phố đã xác định quan điểm khai thác tối đa mọi nguồn lực của Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh của toàn xã hội.
"Buổi đối thoại “Đà Nẵng chuyển đổi số để phát triển” cũng là cơ hội để chính quyền Thành phố có thể quảng bá rộng rãi đến nhân dân Đà Nẵng, hay chính người dân cũng sẽ có những yêu cầu, đòi hỏi chính quyền Thành phố làm thế nào để mỗi công dân trở thành công dân số".
Từ thực tiễn và kết quả triển khai chuyển đổi số của Đà Nẵng, tại buổi đối thoại TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, cho rằng chuyển đổi số hiện đang là một xu thế tất yếu và diễn ra rất sôi động tại tất cả các địa phương, tỉnh thành. Do vậy, việc Đà Nẵng mới đây được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số trên ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với những cách làm khác biệt, sẽ là kinh nghiệm để các địa phương khác hay những nhà hoạch định chính sách có thể tìm thấy những điểm hay để đồng bộ phát triển trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Ngoài ra, theo TS. Chử Văn Lâm, buổi đối thoại cũng là cơ hội để chính quyền Thành phố có thể quảng bá rộng rãi đến nhân dân Đà Nẵng, và khi người dân đọc, nghe, xem sẽ thấy mình có thể tham gia vào công cuộc chuyển đổi số như thế nào hay yêu cầu, đòi hỏi chính quyền Thành phố làm thế nào để mỗi công dân trở thành công dân số.
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ MỘT QUÁ TRÌNH LÂU DÀI
TS. Nguyễn Quang Thanh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số Thành phố Đà Nẵng, cho biết chuyển đổi số của Thành phố Đà Nẵng thực ra là một quá trình lâu dài, vì từ năm 2003 đã có Nghị quyết của Thành ủy về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, ban hành kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cho cả giai đoạn từ 2003-2010. Đến năm 2010, Thành phố cũng ban hành kiến trúc về chính phủ điện tử và được xem là khung kiến trúc định hình quá trình phát triển chính quyền điện tử của Đà Nẵng.
"Với các chủ trương cùng với Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị trong năm 2019 về một số chính sách để tiếp cận cách mạng 4.0, Thành phố Đà Nẵng nhận thức vấn đề này và đã ban hành một số nội dung liên quan đối với công tác chuyển đổi số, trong đó ban hành Nghị quyết 05 và những mục tiêu được đặt ra về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 05 cũng giống như Đề án Chuyển đổi số của Đà Nẵng, được xem là “bộ khung” để Đà Nẵng triển khai chuyển đổi số".
Do sự thay đổi về công nghệ cũng như một số mô hình đối với chính quyền điện tử, đến 2018, Thành phố ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 để nhằm xác định lại một số các mục tiêu, kiến trúc làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử.
Cùng những chủ trương về việc phát triển chính quyền điện tử và việc chuyển đổi số, như năm 2020 Chính phủ ban hành Quyết định 749 phê duyệt chương trình chuyển đổi số đến 2025 và tầm nhìn 2030; năm 2021 Chính phủ tiếp tục ban hành chiến lược về phát triển chính quyền điện tử định hướng tới chính quyền số. Những tháng đầu năm 2022 Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 9411 phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, với các chủ trương cùng với Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị trong năm 2019 về một số chính sách để tiếp cận cách mạng 4.0, Thành phố Đà Nẵng nhận thức vấn đề này và đã ban hành một số nội dung liên quan đối với công tác chuyển đổi số, trong đó ban hành Nghị quyết 05 và những mục tiêu được đặt ra về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 05 cũng giống như Đề án Chuyển đổi số của Đà Nẵng, được xem là “bộ khung” để Đà Nẵng triển khai chuyển đổi số.
Ở góc độ ngành công thương, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết do đây là ngành rộng, trải dài từ khâu sản xuất đến phân phối, lưu thông đến thương mại nên có rất nhiều hoạt động chuyển đổi số. Trước khi Nghị quyết 05 của Thành ủy ra đời thì Sở Công Thương cũng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và giải quyết 100% thủ tục hành chính cho dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ xử lý thủ tục cho người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và kịp thời.
Sở Công Thương Đà Nẵng đã chú trọng đến việc giới thiệu quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử, tuy nhiên theo bà Phương, ở thời điểm đó cũng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu và quảng bá chứ chưa có công cụ sâu hơn.
"Trước khi Nghị quyết 05 của Thành ủy ra đời thì Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và giải quyết 100% thủ tục hành chính cho dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ xử lý thủ tục cho người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và kịp thời".
“Đến khi Nghị quyết 05 ra đời và Quyết định 2870 của UBND Thành phố về thực hiện đề án chuyển đổi số thì chúng tôi nhận thấy chuyển đổi số là nội dung, nhiệm vụ hết sức quan trọng mà ngành công thương cần phải tập trung. Ngay sau đó chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của ngành công thương giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, và đã đánh giá thực trạng chuyển đổi số của ngành để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số chi tiết cho việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể mà Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao cho ngành trong Quyết định 2870”, bà Phương thông tin.
Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nhận định các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành công thương Đà Nẵng đã bám sát mục tiêu Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, và mục tiêu của Nghị quyết 05 và Quyết định 2870. Theo đó, những việc Sở Công Thương xác định làm ngay như ra mắt chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của người dân.
“Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng triển lãm ảo để hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố trưng bày quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng triển lãm ảo. Những doanh nghiệp nào không thể tham gia triển lãm trực tiếp được thì vẫn có thể trưng bày rất nhiều sản phẩm của mình trên nền tảng triển lãm ảo đó”, bà Phương cho biết.