Ngày 25/4, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về giám sát chuyên đề “Tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố”.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, lũy kế tính đến ngày 31/3/2024, trên địa bàn Đà Nẵng có 40.223 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động. Trong năm 2023, đóng góp của doanh nghiệp trong tổng thu nội địa trên địa bàn thành phố là 13.802,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,7% trong tổng thu nội địa trên địa bàn (18.236,4 tỷ đồng). Đến nay trên địa bàn Đà Nẵng đã có 6 khu công nghiệp (được thành lập, 1 khu công nghệ cao, 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích hơn 2.326 ha, thu hút được 526 dự án đầu tư, trong đó có 127 dự án FDI; giải quyết việc làm cho gần 60.000 lao động.
Tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của ác doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp trong năm 2023 đạt tổng doanh thu đạt 61.741,1 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 1.258,6 triệu USD, nhập khẩu đạt 827,1 triệu USD, nộp ngân sách 3.471,2 tỷ đồng.
Hiện, Đà Nẵng đã thực hiện 55 chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó có 38 chính sách hỗ trợ Trung ương ban hành và 17 chính sách hỗ trợ tại địa phương do thành phố ban hành. Nhiều chính sách đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều doanh nghiệp thụ hưởng góp phần ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, việc Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Đà Nẵng như Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng… đã mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố trong thời gian qua và những năm tiếp theo.
Mỗi chính sách hỗ trợ đã có những tác động cụ thể đối với từng nhóm đối tượng thụ hưởng khác nhau, nhưng nhìn chung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành kịp thời, giải quyết một phần khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và tăng thêm động lực để doanh nghiệp phát triển, từ đó đóng góp đáng kể tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nêu một số khó khăn, hạn chế, nguyên nhân trong công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua như: một số chính sách triển khai chưa hiệu quả trên thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng; nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn rời rạc, doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay ưu đãi, tiếp cận đất đai…
Đáng chú ý, theo đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan nên giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra; giám sát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tránh lãng phí trong bối cảnh nguồn lực đất đai của thành phố còn hạn chế; hỗ trợ về tiền thuê lại đất cùng với việc khai thác, mở rộng thêm các sản phẩm du lịch để thu hút du khách, đặc biệt là sản phẩm du lịch biển...
Bên cạnh đó, cũng còn có một số nội dung hỗ trợ không còn phù hợp với thực tiễn hoặc không còn phù hợp với quy định mới của Trung ương; một số nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ do thành phố ban hành trùng lắp với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; các chính sách được ban hành và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận để thụ hưởng chính sách còn hạn chế…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của các đại biểu về việc đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn của các doanh nghiệp. Ông Sơn đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố phối hợp các cơ quan liên quan tổng hợp, bổ sung các ý kiến các đại biểu dự họp để có văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng bổ sung, cập nhật thêm các thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt là chú trọng các nội dung liên quan đến tiếp cận đất đai, các chính sách hỗ trợ cho thuê lại đất, chênh lệch trong mức phí sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp, sớm đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đi vào hoạt động; các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy; tổ chức các chương trình hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số… và khảo sát các doanh nghiệp về mức độ tiếp cận chính sách, cụ thể doanh nghiệp còn gặp khó về điều kiện nào theo quy định chính sách; tuyên truyền về triển khai chính sách như thế nào để doanh nghiệp có thể nắm bắt... Qua đó, tham vấn ý kiến để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương có hiệu quả hơn trong thời gian tới.