August 09, 2024 | 17:44 GMT+7

Đã xử lý nhiều vi phạm nghiêm trọng về thực phẩm, 1 vụ bị phạt đến 11 tỷ

Nhật Dương -

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế nhận được kiến nghị của cử tri về việc cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mua bán, sản xuất các loại thực phẩm bẩn, độc hại, để bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

MỘT VỤ VIỆC BỊ PHẠT HÀNH CHÍNH CAO NHẤT 11 TỶ ĐỒNG

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết trong thời gian vừa qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành chức năng.

Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thêm thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Hiện nay, các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm đã cơ bản hoàn thiện. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, với nhiều cơ chế mới trong quản lý an toàn thực phẩm,.... phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chế tài xử lý vi phạm cũng đã được quy định đầy đủ, bao gồm các biện pháp xử lý hành chính và hình sự, nhằm đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.

Về xử lý hành chính, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định số 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và Nghị định số 117/2020/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, mức xử phạt tăng ở tất cả các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Các quy định này nêu rõ, hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép; buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm vi phạm.

Cụ thể, Bộ Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến 11 tỷ đồng.

Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng, đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng, hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.

Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan Công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự.

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.

KHÔNG ĐỂ CƠ SỞ KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN VẪN KINH DOANH THỰC PHẨM

Về xử lý hình sự, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trình Quốc hội ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, trong đó có Điều 317 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Ảnh minh họa.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Ảnh minh họa.

Theo đó, quy định xử lý hình sự khi gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên.

Khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm cho tội danh này, trong trường hợp chết 3 người trở lên, hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên, mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Các vụ án liên quan đến an toàn thực phẩm như vụ “Than tre” ở Hải Phòng, “Cà phê pin” ở Đắk Nông, và ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang, đã được xử lý hình sự.

Theo Bộ Y tế, hằng năm, Bộ đều phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan chức năng địa phương để quản lý, xử lý mối nguy ô nhiễm thực phẩm, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm và ngộ độc. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, vẫn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có cả những vụ có số lượng lớn người bị ngộ độc.

Đã có trường hợp cơ sở phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mới được kinh doanh thực phẩm, nhưng lại hoạt động trong thời gian dài mà không có giấy phép. Chỉ khi xảy ra ngộ độc mới bị phát hiện.

Cũng có trường hợp cơ sở được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nông lâm sản, nhưng lại mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường về đóng gói để cung cấp cho bếp ăn, vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn thực phẩm.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các ngành cần chủ trì, phối hợp với y tế để truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện vẫn kinh doanh thực phẩm, vẫn cung cấp nguyên liệu và thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, và công khai kết quả để cảnh báo cho cộng đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate