Nội dung được Sở Y tế Hải Phòng cho biết trong báo cáo cung cấp thông tin kết quả điều tra về chùm ca bệnh ngộ độc thực phẩm, xảy ra tại Bếp ăn tập thể Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm.
Theo đó, sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành kiểm tra, xác minh điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại Bếp ăn tập thể Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm.
Kết quả cho thấy bếp ăn do Công ty TNHH Dịch vụ Thành Hưng chuyên dịch vụ cung cấp suất ăn, đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng cấp.
Bữa trưa có 15 người, gồm chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp chế biến, được huấn kiến thức an toàn thực phẩm, đã được chủ cơ sở xác nhận.
Điều kiện vệ sinh nơi chế biến đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời, có thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đúng quy định, có đủ số ghi chép kiểm thực và lưu mẫu thức ăn đủ nội dung.
Nguyên liệu cho bữa trưa ngày 27/6 từ 2 đơn vị cung cấp là Công ty TNHH MTV Cung ứng và Phát triển nông nghiệp Bắc Việt, cung cấp gồm cá thu ngừ, thịt gà, thịt lợn; còn hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Hà cung cấp rau củ quả.
Lô cá thu ngừ cung cấp cho bữa trưa ngày 27/6 là cá thu ngừ đông lạnh. Công ty TNHH MTV Cung ứng và Phát triển nông nghiệp Bắc Việt báo cáo mua từ Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long.
Ngay sau khi có thông tin trên, Đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra đột xuất tại kho lạnh Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long. Kết quả kiểm tra thực tế tại kho không phát hiện còn tồn cá thu ngừ cùng lô với lô thực phẩm liên quan đến vụ ngộ độc.
Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế Hải Phòng đã tạm dừng hoạt động cung cấp dịch vụ cung cấp suất ăn của Công ty TNHH Dịch vụ Thành Hưng tại bếp ăn tập thể Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm.
Đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long rà soát, dừng lưu thông, thu hồi sản phẩm cùng lô liên quan đến vụ ngộ độc.
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm tại bếp ăn tập thể Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm, gồm lấy 1 mẫu bí xanh sống và toàn bộ mẫu lưu bữa trưa ngày 27/6, gồm 8 món là cá thu ngừ kho, chả lá lốt, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm, dưa hấu, thịt gà kho, lạc rang.
Cùng với các triệu chứng lâm sàng điển hình, món ăn cá thu ngừ kho có trong thực đơn bữa trưa ngày 27/6, được định hướng cao là món ăn nguyên nhân.
Đoàn điều tra vụ nghi ngộ độc thực phẩm đã lấy toàn bộ mẫu lưu, thực hiện gửi mẫu kiểm nghiệm.
Chỉ định kiểm nghiệm chỉ tiêu xác định hàm lượng Histamin trong mẫu thức ăn cá thu ngừ kho; dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong mẫu canh rau ngót, mẫu bí xanh, mẫu dưa hấu.
Mẫu được gửi tại Trung tâm Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Vùng 1, thuộc Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn lưu và mẫu thực phẩm cho thấy hàm lượng Histamin trong mẫu thức ăn cá thu ngừ kho, cao gấp 40 lần mức giới hạn cho phép tối đa trong thủy sản đông lạnh.
Các báo cáo thử nghiệm đối với các mẫu thức ăn, thực phẩm canh rau ngót, dưa hấu, bí xanh không phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật theo chỉ tiêu chỉ định.
Do đó, Sở Y tế Hải Phòng kết luận vụ việc ngộ độc thực phẩm do hàm lượng Histamin trong món ăn cá thu ngừ kho bữa trưa ngày 27/6 vượt quá mức giới hạn cho phép.
Căn cứ kết luận, Sở Y tế Hải Phòng sẽ tiếp tục các biện pháp xử lý theo quy định. Đồng thời, đơn vị tiếp tục triển khai hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra/kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm trên toàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, trước đó, trưa ngày 27/6, tại Bếp ăn tập thể Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm.
Bữa trưa hôm đó gồm có 795 suất ăn, gồm 2 thực đơn. Có 400 suất ăn, thực đơn gồm: cá thu ngừ kho, chả lá lốt, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm, dưa hấu; 395 suất còn lại thực đơn là thịt gà kho, lạc rang, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm, dưa hấu. Thời điểm đó, bếp ăn có 178 công nhân dùng bữa trưa.
Sau khi kết thúc bữa ăn khoảng 30 phút, 127/178 công nhân có dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, mặt nóng ran, đau bụng, buồn nôn... phải nhập viện khẩn cấp. Số còn lại với dấu hiệu nhẹ nên được chuyển sang Trung tâm Y tế huyện An Dương điều trị.
Theo báo cáo của Công ty, đến ngày 1/7, các công nhân đã đi làm trở lại.
Theo thông tin đăng tải trên website của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Histamin là một amin sinh học. Histamin có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu chín cũng không bị phá hủy.
Vì vậy, nếu cá biển có chứa lượng Histamine cao vẫn không mất đi trong quá trình đun nấu. Độc tính của Histamine phụ thuộc và tổng lượng Histamine ăn phải. Nếu lượng ăn vào từ 8 mg - 40 mg Histamine, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt. Nếu lượng ăn vào từ 1.500 mg – 4.000 mg, người ăn có biểu hiện như nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, nổi ban...
Ngộ độc Histamine là do ăn phải các loại cá kém tươi có cơ thịt màu đỏ như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá trích... Bệnh thường xảy ra nhanh từ một đến vài giờ sau khi ăn. Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện như: Mặt thường đỏ, mắt đỏ, khó thở do phù nề và co thắt khí quản, ổi mẩn đỏ, ngứa, có thể phát ban ngoài da.
Cảm giác nóng ran trong miệng, tăng tiết nước bọt, kích thích tiết dịch vị của dạ dày, gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Mạch nhanh, hạ huyết áp do giãn mạch. Có thể Histamine ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, gây ra biểu hiện nôn nao, chóng mặt, đau đầu...