Trước đó, tại phiên thảo luận nghị trường ngày 1/6, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đã nêu ra các thực trạng trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Các nội dung được nhắc đến có sai phạm xảy ra tại Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam; việc "đi đêm" chọn sách giáo khoa; tình trạng thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng ý kiến giáo viên khi chọn lựa sách giáo khoa…
CHỌN SÁCH GIÁO KHOA, KHÔNG CÓ PHẢN ÁNH VỀ SỨC ÉP TỪ CẤP TRÊN
Liên quan đến sai phạm ở Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, một số đơn vị và cá nhân của Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam đã bị xử lý kỷ luật. Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề, đồng thời thực hiện mọi biện pháp để tổ chức in ấn, phát sách sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách cho học sinh.
Đại biểu Thúy có ý kiến “Về sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học tới, tuy chia sẻ với khó khăn của Bộ và ngành giáo dục, nhưng tôi cho rằng thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc thu thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh; tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa, báo cáo những nội dung cần chỉnh sửa, trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét, thông qua theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2017.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện nghiêm theo Thông tư số 25/2020. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về quá trình các tỉnh, thành phố lựa chọn sách giáo khoa. Kết quả thanh tra cho thấy việc lựa chọn sách tại các địa phương đã cơ bản được tổ chức theo Thông tư 25.
Đặc biệt, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi xây dựng Thông tư số 25/2020, Bộ đã thận trọng thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xin ý kiến rộng rãi nhân dân, các cơ sở giáo dục đào tạo. Việc lựa chọn sách theo Thông tư 25 được thực hiện cơ bản không có khó khăn, vướng mắc.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương.
Qua quá trình thanh tra, trao đổi, phỏng vấn với giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng cơ sở giáo dục, Bộ không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn sách giáo khoa; phiếu chọn sách giáo khoa của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục gửi về sở giáo dục đào tạo để tổng hợp trình Hội đồng lựa chọn cấp tỉnh, trùng với phiếu nhận xét sách giáo khoa của giáo viên…”, công văn nêu rõ.
BỘ PHẢN HỒI THÔNG TIN "ĐI ĐÊM" CHỌN SÁCH GIÁO KHOA
Đại biểu Thúy có đề cập đến "bản thuyết minh báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam, là một trong những công ty con của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, chỉ chưa đầy 2 năm công ty này đã chi gần 100 tỷ để phát triển thị trường và tập huấn, không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra nội dung chi này chưa.
Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục"
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Công ty Phương Nam có 43% vốn điều lệ do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam góp vốn. Đây là công ty cổ phần, hàng năm đều có kiểm toán độc lập, thanh tra thuế. Báo cáo về vai trò quản lý của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đối với Công ty Phương Nam đã được Bộ trả lời đại biểu tại công văn ngày 7/2/2022.
Theo báo cáo, chi phí bán hàng của công ty gồm lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng… Trong đó, chi phí phát triển thị trường năm 2020 là 29,7 tỷ đồng; năm 2021 là 24,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu.
“Từ năm 2019 – 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ủy ban kiểm tra của Đảng ủy khối các cơ quan trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra các hoạt động của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Bộ đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, điều tra theo đúng quy định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam", Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.