June 01, 2023 | 16:08 GMT+7

Đại biểu kiến nghị: Cần làm rõ nguyên nhân không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao về tăng năng suất lao động

Thu Hằng -

Năm 2022 tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của nước ta chỉ đạt 4,8%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu thực tế tốc độ tăng năng suất lao động còn khá chậm. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu thực tế tốc độ tăng năng suất lao động còn khá chậm. Ảnh - Quochoi.vn.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1/6, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề cập vấn đề năng suất lao động là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia, song tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta vẫn còn khá chậm.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Mặc dù vậy, ở nước ta, năm 2022 tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chỉ đạt 4,8%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm, song báo cáo của Chính phủ lại chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này. Vì vậy, đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp riêng nhằm đạt chỉ tiêu cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa tiếp tục nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động, vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành 3 chiến lược đó là: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, ngoài 2 tiểu dự án thành phần đề cập đến phát triển nguồn nhân lực cho các đối tượng đặc thù trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì vẫn chưa có một chương trình tổng thể ở tầm Quốc hội liên quan đến đột phá chiến lược này.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, để một mặt phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, một mặt chuẩn bị các điều kiện cần thiết thích ứng với thời kỳ dân số già sẽ xảy ra trong tương lai.

Đại biểu tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, ưu tiên các dự án luật liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo để thể chế hóa quan điểm của Đảng và các quy định của Hiến pháp "khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu", từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động, đặc biệt ở khu vực công.

“Bản thân năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân. Chúng ta chưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ, nghị định, thông tư, luật định chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng, lúc sai, cho nên không hiệu quả, năng suất thấp”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội. Ảnh - Quochoi.vn.

Liên quan đến tăng lương, đại Nguyễn Trúc Anh cho rằng đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề, bởi nếu tăng lương thì “tăng bao nhiêu cho đủ” khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp trên thế giới.

Đại biểu phân tích, ngoài tăng lương có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động.

Đơn cử như được cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con cái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng, hay có chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ. “Chính sách ưu đãi thu hút nhân lực vào khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao và tăng lương khó có thể gánh vác hết”, đại biểu TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate