October 28, 2022 | 15:23 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị có chế tài mạnh để xử phạt vi phạm pháp luật trên mạng xã hội

Quang Trung -

Đại biểu chỉ ra thực trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến sử dụng các trang mạng nhằm đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, tổ chức, cá nhân; hay lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hàng giả, hàng cấm...

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10 - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10 - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 28/10, tham gia phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) bày tỏ quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ - một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Theo bà, thống kê cho thấy các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng gồm có Youtube (92%), Facebook (91,7%), Zalo (76,5%)... Điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội rất rộng rãi. 

Thống kê sơ bộ cho thấy hiện nay trong hơn 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi, chiếm khoảng 71%. Thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình là 5h/ngày - con số gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học tập cũng như công việc và các hoạt động khác trong cuộc sống.

"Hiện nay, với lý do sử dụng mạng xã hội với tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi, dùng để kết nối với gia đình, bạn bè, người thân trên mọi miền Tổ quốc và là nguồn tìm kiếm thông tin hiệu quả cho người sử dụng. Nếu biết cách khai thác, sử dụng hợp lý thì mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho con người nói chung và cho giới trẻ nói riêng. Ngược lại, sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt, vì lượng thông tin nhiều, nhưng đan xen giữa thông tin tốt với thông tin xấu, khó kiểm chứng", đại biểu chỉ ra.

Theo đại biểu, điều quan tâm, lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội lại chứa nội dung xấu độc, có những thông tin dụ dỗ, lôi kéo mang tính chất kích động, bạo lực, chia rẽ đoàn kết dân tộc, v.v. hay các phim ảnh kích động, đồi trụy lại lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

"Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia mạng xã hội, nhất là ảnh hưởng đến tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay", đại biểu đoàn Bạc Liêu quan ngại

Đại biểu cũng chỉ ra thực trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến sử dụng các trang mạng nhằm đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức cá nhân. Bà dẫn chứng về vụ việc điển hình như tài khoản Facebook của Nguyễn Phương Hằng ở TP.HCM, tài khoản của Đặng Như Quỳnh ở Hà Nội vừa qua đã được cơ quan chức năng mời làm việc, xử phạt.

Ngoài ra, nhiều cá nhân cũng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hàng giả, hàng cấm. Thậm chí, có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn đã thách đấu trên mạng xã hội dẫn đến ẩu đả ngoài đời thật, để lại nhiều hậu quả đau lòng.

Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Do đó, đại biểu Linh đề nghị cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục định hướng để biết cách khai thác thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội; giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng và kiểm soát hành vi, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào.

Cùng với đó, đại biểu cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 874 ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin Truyền thông ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5. 

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội làm sao để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội, qua đó giúp cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị của chân thiện mỹ, hình thành thói quen sống tích cực, lành mạnh, có hành động đẹp…

"Các cơ quan có trách nhiệm cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội”, đại biểu đoàn Bạc Liêu kiến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate