October 28, 2022 | 20:50 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát chặt lãi suất đầu ra của các ngân hàng

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán để giảm bớt áp lực đối với nguồn vốn tín dụng...

Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV
Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộinăm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM.

DOANH NGHIỆP CẦN ĐƯỢC TIẾP CẬN TÍN DỤNG VỚI LÃI SUẤT PHÙ HỢP

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho biết, theo phản ánh của cử tri và doanh nghiệp, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh nhưng khó tiếp cận được vốn.

Nguyên nhân là do các ngân hàng thương mại đã hết room tín dụng hoặc thiếu vốn cho vay do chưa thu hồi được các khoản tín dụng đến hạn, cũng như khó khăn trong việc huy động tiền gửi của khách hàng.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước siết chặt điều kiện cho vay đối với một số lĩnh vực, nguy cơ thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh và mức độ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngày càng tăng cao.

Hơn nữa, thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất điều hành, nới biên độ tỷ giá USD. Điều này, khiến lãi suất huy động và cho vay của hầu hết các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng và giá USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng rất mạnh.

"Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Thể hiện, chỉ tiêu dư nợ tín dụng ngân hàng trên GDP của Việt Nam ở mức khá cao hiện nay khoảng 125% GDP - cao hơn mức trung bình của thế giới", ông Trung nói.

Trong khi đó, hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống. Giao dịch thiếu lành mạnh, thậm chí đã có những trường hợp vi phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu tại phiên thảo luận.

Vì vậy, theo ông Trung, để đảm bảo ổn định thị trường tài chính ổn định thị trường vốn góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần quan tâm lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, Chính phủ cần có các biện pháp giám sát chặt chẽ lãi suất đầu ra của các ngân hàng thương mại để không hạn chế khả năng các thành phần kinh tế thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất phù hợp và không phát sinh các khoản phí khác. Đây là bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2008 - 2009 cũng như là giai đoạn 2011 – 2012.

Thứ hai, cần có các tỉnh bản chủ động trong điều hành lãi suất, tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo huy động khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã được Quốc hội quyết định.

Đồng thời khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại bất cập thời gian qua, để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn an toàn hiệu quả cho các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Thứ tư, trong khi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt kiểm soát lượng tiền cung ứng đối với nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa; quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình dự án, nhất là các công trình dự án với cơ sở hạ tầng.

SỚM CÓ GIẢI PHÁP PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU, CHỨNG KHOÁN

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, khơi thông dòng vốn để phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những điểm nghẽn và là thách thức rất lớn đặt ra trong tình hình hiện nay.

Theo ông Hùng, với nguồn lực từ Nghị quyết 43 cùng với việc room tăng trưởng tín dụng ở mức 14% năm 2022 (mức khá cao so với mặt bằng chung các nước trong khu vực là 8-10%), trong bối cảnh lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp (chỉ 2,73% trong 9 tháng đầu năm 2022 so cùng kỳ, dự báo của Bộ Tài chính và Tổng cục thống kê thì CPI bình quân cả năm chỉ tăng 3,37-3,87%, thấp hơn mức tối đa 4% như mục tiêu đề ra), các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường dồi dào hơn, doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn, các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn.

"Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau vụ việc của FLC và Tân Hoàng Minh", đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ phát biểu tại phiên thảo luận.

Hiện tại, trong lúc chờ đợi sự phục hồi từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã rất kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng 1-2% thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, rằng trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện rất cao (124%), đồng thời các nước, nhất là các nền kinh tế lớn đều trong tình trạng lạm phát cao kỷ lục trong hàng chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh nâng lãi suất điều hành trong vòng hơn 1 tháng vừa qua. Đồng thời cũng điều chỉnh tăng trần lãi suất tiền gửi.

"Như vậy, khả năng nới room tín dụng thời từ nay đến cuối năm như kỳ vọng của các nhà đầu tư là hết sức khó khăn", ông Hùng nhận định.

Do đó, đại biểu Hùng cho rằng cần sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính đã rất kịp thời ban hành Nghị định số 65 sửa đổi Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

"Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án; có cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường và các biểu hiện chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư để thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng vai trò là nơi cung ứng ổn định vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp thời gian tới", ông Hùng đề nghị. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate