Chấn vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều 11/11, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp, nêu rõ thời gian qua, các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, phòng mạch, bác sĩ có yếu tố nước ngoài,.. treo bảng hiệu điều trị nhiều loại bệnh, giải phẫu thẩm mỹ, làm đẹp. Trong đó, không ít bác sĩ “dởm”, không có bằng cấp cũng như giấy phép hành nghề.
“Quảng cáo trị bệnh này nhưng lại điều trị bệnh khác. Bệnh nhân không biết đâu mà lường. Cá biệt, đã có trường hợp thương tâm xảy ra”, đại biểu Phạm Văn Hòa lo ngại.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân của việc cấp phép những cơ sở này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục tình trạng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa đối với việc các phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết pháp luật trước đây và hiện nay đã có nhiều quy định liên quan tới các điều cấm trong quá trình triển khai thực hành nghề của đội ngũ y, bác sĩ. Tuy nhiên, việc trá hình vẫn xảy ra.
Theo quy định, Bộ Y tế cấp phép hoạt động cho các cơ sở thuộc Bộ quản lý và các bệnh viện tư nhân. Theo lộ trình từ ngày 1/1/2027, phần cấp phép cho bệnh viện tư nhân sẽ bàn giao cho Sở Y tế các tỉnh.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ cấp phép đối với các đơn vị trực thuộc. Còn lại, địa phương sẽ quản lý và cấp phép cho các loại hình còn lại.
Chính vì vậy, khi xảy ra các vụ việc trên địa bàn, Bộ trưởng mong muốn các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành Y tế phải vào cuộc đối với các vi phạm liên quan tới các lĩnh vực này.
Bộ trưởng ví dụ, trước đây dọc đường Giải phóng, Hà Nội có rất nhiều phòng phám có yếu tố nước ngoài, song đến nay đã được địa phương vào cuộc quyết liệt rà soát, chấn chỉnh các hoạt động sai phạm. Đến thời điểm này, Bộ trưởng khẳng định đã giảm đi rất nhiều các vi phạm.
“Trong quá trình triển khai, nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các phòng khám, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.
Tranh luận với Bộ trưởng Đào Hồng Lan, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay lực lượng y tế ở địa phương rất mỏng, vì thế Bộ Y tế nên xem xét quy chế kết hợp với các lực lượng có sẵn ở địa phương. Ví dụ như Mặt trận Tổ quốc, công an phường, xã.
“Ở đây không cần phải kiểm soát về chuyên môn, mà chúng ta chỉ cần lắng nghe dư luận. Nếu cơ sở nào chữa bệnh thực sự tốt, có dư luận đánh giá thì chúng ta biểu dương, truyền thông lên. Còn cơ sở nào yếu kém thì lúc đấy mới mời cơ quan chuyên môn về điều tra”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Theo đại biểu, như vậy sẽ khuyến khích lực lượng đông y phát triển, tận dụng được nguồn lực quốc gia, và tôn vinh được những người có đức, có tài, giúp nhân dân tránh được các cơ sở "lang băm", hay lừa đảo khác.
Trao đổi lại với đại biểu Nguyễn Quang Huân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận việc kết hợp với các đơn vị như Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương trong kiểm soát các cơ sở phòng khám tư nhân là giải pháp tốt. Bởi không ai hiểu tình hình thực tiễn như người dân và chính quyền tại địa phương về tình hình hoạt động của phòng khám đó, có vi phạm hay không.
“Chúng tôi nghĩ đây là giải pháp tốt và sẽ tích cực chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới trên toàn hệ thống. Qua đó, nhằm tăng cường xử lí sai phạm trong các cơ sở phòng khám tư nhân”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Liên quan tới việc quản lý giấy phép hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết triển khai thực hiện quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, cũng như Nghị định 96, việc cấp giấy phép hành nghề đối với người hành nghề đã có các quy định rất cụ thể. Một người hành nghề chỉ có một giấy phép. Hiện nay, Bộ đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép người hành nghề.
Bộ trưởng thông tin thời gian trước, Bộ Y tế đã có phần mềm quản lý người hành nghề khám chữa bệnh trên toàn quốc, đến thời điểm này, đã có khoảng 430.000 người đã được đưa vào quản lý trên tổng số hơn 600.000 người hành nghề trên toàn quốc.
Tuy nhiên, hệ thống này được xây dừng từ năm 2015 trên cơ sở hệ thống đóng, nên việc cập nhập, quản lý, sử dụng theo đúng tinh thần của Nghị định 96 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Bộ Y tế đang điều chỉnh các nội dung để nâng cấp phần mềm này.
Trên cơ sở nâng cấp phần mềm và kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, cũng như hệ thống dịch vụ công trực tuyến của quốc gia, và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, thời gian tới Bộ Y tế cũng đang triển khai các giải pháp để thống nhất trên toàn quốc.
"Khi đó, lãnh đạo các cấp và y tế của các địa phương đều có thể tham khảo và nắm được những thông tin về người hành nghề để quản lý theo đúng quy định", người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh.
Nội dung này, trước đó cũng đã được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn TP. Đà Nẵng chất vấn Bộ trưởng. Bởi theo đại biểu, thời gian qua, cử tri ngành Y tế rất bức xúc liên quan tới nơi cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Việc người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào, dẫn đến một người có nhiều giấy phép hành nghề và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp quản lý nhằm đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề; và chỉ đứng tên một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật.