November 15, 2022 | 00:02 GMT+7

Đại biểu Quốc hội yêu cầu quy định rõ khi nào cần thiết phải thu hồi đất

Theo các đại biểu Quốc hội, người dân không chấp nhận thu hồi đất mang lại lợi ích cho cá nhân nhưng lại áp giá đền bù thấp...

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) tham gia thảo luận
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) tham gia thảo luận

Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm đó là cơ chế thu hồi đất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng để tránh những trường hợp tùy tiện, cần quy định ngay trong Luật Đất đai sửa đổi lần này những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là "thật cần thiết", theo đúng yêu cầu của Điều 54 Hiến pháp năm 2013.

Về quyền của tổ chức, cá nhân trong trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất, đại biểu dẫn Điều 54, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Tổ chức, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ."

"Tôi cho rằng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 thì quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức cũng phải được bảo hộ kể cả trong trường hợp bị thu hồi đất thông qua việc công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật", bà Hoa nêu.

Theo đại biểu, trong việc này, Nhà nước phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất vì họ ở vào thế bị động, có khả năng mất chỗ ở cũ hoặc mảnh đất vẫn đang trồng cấy để mưu sinh.

"Hơn nữa, đối với người dân thì việc bị thu hồi đất đã là thiệt thòi, mà thu hồi còn không được đền bù theo giá thị trường thì càng thiệt thòi hơn. Do đó, các chính sách về giá đền bù, việc hỗ trợ tái định cư cần được quan tâm hơn nữa để người dân đỡ thiệt thòi", bà Hoa lưu ý.

Quan tâm đến vấn đề thu hồi, đền bù, theo đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An), đây là một trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do các quy định liên quan còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Do vậy, lần sửa đổi này cần khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.

Cũng phân tích về vấn đề trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.

Theo đại biểu, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt thòi, nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng… Tuy nhiên, người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam).
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam).

Trong khi đó, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị xem xét thấu đáo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Theo đại biểu, cần phải nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân giới hạn ở mức độ nào, thỏa thuận về những vấn đề gì…

Góp ý vào quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần cân nhắc đối với sửa đổi này, vì pháp luật Việt Nam luôn giao cho Ủy ban nhân dân là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Đại biểu nêu rõ, đây là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai, cho nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy giải thích thêm, pháp luật hiện hành đang giao cho hai cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân và việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm được sự lựa chọn cơ quan giải quyết việc tranh chấp của mình.

Đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) cho biết, trong những ngày qua, trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu nhắc nhiều đến việc viên chức, công chức ngành y tế, giáo dục có sự dịch chuyển bởi vì các cơ chế, chính sách không phù hợp.

Nhưng có một thực trạng chưa được nhắc đến, đó là công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường cũng có một tỉ lệ dịch chuyển lớn.

"Người thì xin nghỉ việc, người thì chủ động xin chuyển công tác hoặc chuyển vị trí công tác, kể cả người đã nghỉ, đã chuyển công tác hay những người còn ở lại có một nỗi băn khoăn, nhiều lúc không biết hồ sơ mình đang xử lý có những sai sót gì hay không, hay là vài mươi năm nữa mới phát hiện sai sót", đại biểu phản ánh lo lắng của một bộ phận công chức, viên chức ngành này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate