Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội sáng 5/11, Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề cập đến những thiệt hại về kinh tế do cam kết bảo lãnh (GGU) đối với nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn về ưu đãi thuế nhập khẩu của Chính phủ tiền nhiệm.
Đại biểu đặt vấn đề rằng tại sao số tiền thiệt hại cho quốc gia từ cam kết này rất lớn nhưng đến nay các cá nhân và tập thể sai phạm chưa bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đại biểu đề nghị cần sớm có câu trả lời công khai trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị.
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, tính toán cho thấy, sau khi bù trừ đi số tiền thuế, tiền phí, tiền thuê đất,... thu được từ dự án thì số tiền mà quốc gia phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại là 36,73 nghìn tỷ đồng. Nếu giá dầu là 50 USD/thùng, sẽ là 47,87 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 60 USD/thùng, 64,58 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 75 USD/thùng, 88,1 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng.
Đại biểu cho biết Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tiến hành giám sát chuyên đề này và gửi đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngoài số tiền thiệt hại nêu này, qua nghiên cứu kỹ GGU, còn phát hiện 3 nội dung ưu đãi trái quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, đại biểu Nguyễn Quang Chiểu chỉ ra.
Một là áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ vòng đời của dự án. Hai là cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Ba là trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.
"Với 3 cam kết trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải là nhỏ. Nó phải là hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng. Cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu 3 năm 7% thì số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn", Đại biểu Nguyễn Quang Chiểu nói.
Đại biểu cũng khẳng định GGU là thỏa thuận quốc tế nên không thể không thực hiện. Tuy nhiên, số tiền gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư này sẽ được cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước hay gián tiếp thông qua Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, Đại biểu cũng ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm đã tích cực hành động, bằng biện pháp khác nhau, kể cả ngoại giao nhà nước, ngoại giao Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành chức năng nhiều lần thảo luận, đàm phán với nhà đầu tư để giảm thiệt hại thấp nhất cho ngân sách quốc gia, song nhà đầu tư vẫn không nhượng bộ với lý do các ưu đãi của GGU đã được nhà đầu tư tính vào chi phí hiệu quả kinh doanh của dự án. Nhà đầu tư chỉ đồng ý hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển, bao tiêu sản phẩm từ cổng nhà máy đến kho nhà phân phối, khoảng 20 triệu USD.
"Do nhà đầu tư không nhượng bộ, tôi được biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tích cực họp bàn phương án nguồn tiền để thực hiện gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư để trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được phương án và giải pháp tối ưu nhất", Đại biểu Nguyễn Quang Chiểu cho biết.