Nhà chức trách Đài Loan đã lên tiếng sau khi Mỹ ra quyết định cuối cùng về áp thuế lên tới 456% lên một số sản phẩm thép được cho là có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Quyết định cuối cùng nói trên được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào hôm thứ Hai tuần này, sau khi quyết định ban đầu được đưa ra hồi tháng 7.
Trong tuyên bố áp thuế hồi tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng cơ quan này đã phát hiện thấy các sản phẩm thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cán nguội (corrosion-resistant steel) sản xuất ở Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Hàn Quốc hoặc Đài Loan đã né tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ.
Phát biểu trước báo giới tại Đài Bắc ngày 17/12, ông Shen Jong-chin, người đứng đầu cơ quan kinh tế thuộc chính quyền Đài Loan nói rằng động thái áp thuế của Mỹ đối với thép có nguồn gốc Đài Loan đi qua Việt Nam sẽ chỉ có ảnh hưởng nhỏ đến ngành thép của vùng lãnh thổ này.
"Sau khi thảo luận với công ty Chin Steel Corp và các doanh nghiệp thép khác của Đài Loan, chúng tôi tin rằng ảnh hưởng sẽ chỉ ở mức hạn chế", tờ Thời báo Đài Bắc dẫn lời ông Shen.
Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm thép trên từ Hàn Quốc và Đài Loan từ tháng 12/2015 và tháng 2/2016. Từ các mốc thời gian này đến hết tháng 4/2019, lượng xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng tương ứng 332% và 916% so với cùng kỳ trước đó - Bộ Thương mại Mỹ cho hay.
Sự gia tăng đột biến này dẫn tới nghi ngờ thép Hàn Quốc và Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết cuộc điều tra đã được cơ quan này thực thi theo đề nghị của các công ty thép ở Mỹ gồm ArcelorMittal, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, Califronia Steel Industries, và AK Steel.