Trong bối cảnh tình hình thế giới và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng cơ hội và thách thức lúc nào cũng đan xen, phải nhận diện cơ hội nào chung, cơ hội nào riêng và thách thức cũng như vậy để có giải pháp thích hợp.
Về cơ hội chung, Đại sứ cho rằng EU là thị trường lớn với 450 triệu dân, GDP khoảng 16.000 tỷ EUR và nhập khập ngoài khối trên 3.000 tỷ EUR với phần là các mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, EU là thị trường ổn định, nhu cầu gần như không “xê dịch” ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát hay xung đột Nga – Ukraine nổ ra. EU cũng là thị trường có công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiềm lực tài chính và kỹ năng quản trị thuộc nhóm đầu thế giới.
Về cơ hội riêng, Việt Nam là một trong 4 nước châu Á có hiệp định thương mại tự do với EU bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Đây được xem là những nền kinh tế ‘không cạnh tranh’ với Việt Nam trong xuất khẩu vào EU.
Hơn nữa, sau giai đoạn Covid-19 và cuộc chiến Nga – Ukraine, EU chủ trương đa dạng hóa nguồn cung nhằm trách rủi ro từ sự phụ thuộc vào một thị trường. Hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và EU là 2,5 tỷ USD/ngày, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu hàng hóa của các nước thành viên. Vì vậy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tđẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.
Hiện EU là thị trường Việt Nam có nhiều cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhất và quan hệ với các thành viên EU cũng rất tốt. Do vậy, đây là kênh thông tin tiếp cận thị trường và đối tác rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt.
Về thách thức chung, theo Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU, EU là thị trường tiêu chuẩn cao, không chỉ các tiêu chuẩn hiện tại mà còn có các tiêu chuẩn mới áp dụng toàn thế giới. Luật pháp châu Âu rất phức tạp, tuy các nước luật thương mại rõ ràng nhưng khi áp dụng vẫn bị chồng chéo khiến các doanh nghiệp khó áp dụng. Chi phí vận chuyển tới EU cũng tăng theo cuộc chiến Nga – Ukraine, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa.
Về thách thức với bản thân doanh nghiệp Việt Nam, theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, đó là hàng hoá dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu nên dẫn tới kết quả là nhập khẩu ngoài khối của EU lên tới 3.000 tỷ EUR nhưng giá trị xuất khẩu hàng của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm 1,7%.
“Đáng lưu ý, doanh nghiệp Việt không chỉ không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng mà còn không đáp ứng được quy mô. Các doanh nghiệp khó có khả năng đảm bảo lượng hàng tồn kho lên tới 6 tháng để đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường”, Đại sứ cho biết.
Thứ nữa là các doanh nghiệp Việt nắm bắt thông tin thị trường còn hạn chế; nếu các doanh nghiệp làm ăn “sâu” với doanh nghiệp EU thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Đặc biệt, theo Đại sứ, các doanh nghiệp Việt Nam có sự quan tâm đến thị trường EU nhưng chưa có sự quyết tâm cao.
“Xuất khẩu sang thị trường EU khó khăn hơn sang các thị trường khác nên doanh nghiệp thường không chọn thị trường này”, ông Thảo nói.