Chia sẻ tại toạ đàm “Tận dụng cơ hội hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh trong UKVFTA”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết trong khi các thị trường khác sụt giảm, thì xuất khẩu da giày sang thị trường Anh vẫn tăng trưởng tích cực.
ANH VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG CHÍNH CỦA NGÀNH DA GIÀY VIỆT NAM
Năm 2023 tình hình rất khó khăn khi hầu như các thị trường đều có sự sụt giảm đối với việc xuất khẩu. 10 tháng năm 2023 có những thị trường xuất khẩu da giày giảm tới 20-30%.
Báo cáo da giày Việt Nam quý 3/2023 của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cũng cho thấy, tình hình xuất khẩu năm 2023 của một số ngành, trong đó có da giày, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới.
Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng, lên tới 30-50% đối với các thị trường truyền thống, đặc biệt hai thị trường chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam là Mỹ và EU đã lần lượt giảm 35% và 13%. Mặc dù vậy, riêng xuất khẩu da giày sang thị trường Anh lại tăng trưởng tới 11%.
“Với số liệu của 10 tháng năm 2023, việc tăng trưởng như vậy cũng đã giúp cho ngành da giày không bị sụt giảm quá sâu trong năm 2023", bà Xuân đánh giá, đồng thời cho biết Anh vẫn là một thị trường chính của ngành da giày Việt Nam. Ngay khi Anh vẫn còn trong khối EU thì tỷ trọng của thị trường Anh cũng đã chiếm 25 - 30%.
Khi Anh rời khỏi EU, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ký Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Chính vì thế, xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Anh không bị gián đoạn.
Điều đáng nói, ngành da giày đã hợp tác với một số tổ chức như SATRA (tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của Anh cũng như của thế giới) trong việc phát triển các tiêu chuẩn cũng như các thiết bị thử nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm thông qua giấy chứng nhận, chứng chỉ…
Thông qua hoạt động hợp tác này, Hiệp hội đã hỗ trợ được cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành nâng cao được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu những sản phẩm giày an toàn không những vào thị trường Anh mà còn cả các thị trường khác trên thế giới.
DOANH NGHIỆP CẦN ĐẦU TƯ NÂNG CAO NĂNG LỰC NỘI TẠI
Theo đại diện Lefaso, Anh là một thị trường truyền thống đối với xuất khẩu giày dép của Việt Nam, vì thế khách hàng Anh cũng đã khá quen thuộc đối với mặt hàng này. Chính vì vậy, ngành da giày mong chờ sẽ có những bước tăng trưởng về kim ngạch trong thời gian sắp tới.
Song để tận dụng tốt hơn cơ hội mà Hiệp định UKVFTA mang lại, cũng như nắm bắt được rất nhiều cơ hội đang mở ra, bà Xuân cho rằng ngoài việc tận dụng lợi thế của các hiệp định mang lại, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải có một sự đầu tư với năng lực nội tại.
Hiện kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng các cơ hội từ hiệp định vẫn còn rất hạn chế. Do đó, trong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có một bước đi tốt hơn để tiếp cận đối với thị trường này.
Hơn nữa, Anh là thị trường còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Anh rất mạnh về đào tạo trong lĩnh vực ngành da giày như đào tạo thiết kế, mẫu mốt, marketing… Về vấn đề này các doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các lợi thế đó để nâng cao, nâng cấp được chuỗi giá trị.
“Chúng ta không chỉ làm ở phân khúc sản xuất mà chúng ta có thể vươn lên tiếp cận những công nghệ mới hay quá trình thiết kế mẫu mốt đó là những cái mà chúng tôi mong muốn sau khi các hiệp định được thực thi thì vấn đề hợp tác sẽ đẩy mạnh hơn”, bà Xuân nói.
Theo bà Xuân, các hiệp định thương mại tự do đã thực thi thì mỗi hiệp định sẽ có những lợi thế riêng. Để tận dụng được các lợi thế đó, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được thông tin, những lợi thế ở từng hiệp định để áp dụng mang lại những hiệu quả cao nhất.
"Xu hướng sắp tới không chỉ với châu Âu, Mỹ hay với Anh là vấn đề truy xuất chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc đối với nguyên vật liệu sẽ ngày càng đặt ra một cách gay gắt nhằm hướng tới sản xuất xanh, sản xuất bền vững", bà Xuân lưu ý.
Anh chắc chắn sẽ đưa ra những chính sách như vậy để mà áp dụng đối với ngành da giày. Vì vậy, bài toán đặt ra với ngành là làm thế nào để vừa kiểm soát được chuỗi cung ứng, đáp ứng được các cái tiêu chí và đẩy mạnh xuất khẩu? Đây là một trong những nhiệm vụ sắp tới đòi hỏi các doanh nghiệp sẽ phải có những giải pháp căn bản và lâu dài thì chúng ta mới có thể đẩy mạnh được xuất khẩu.
Bộ Công Thương cần hỗ trợ các doanh nghiệp da giày ngoài việc cung cấp thông tin, cần có giải pháp xây dựng, phát triển được nguồn nguyên phụ liệu để chúng ta có được nguồn cung phụ liệu bền vững, chủ động trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.