Trong chương trình công tác tại Đắk Lắk ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHỦ QUAN, LƠ LÀ
Tại buổi làm việc, đánh giá tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Đăk Lắk, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng thời gian tới trên địa bàn tỉnh có thể xuất hiện thêm ca bệnh (do đặc điểm giao thương là trung tâm vùng) song đều trong tầm kiểm soát của tỉnh. Tuy nhiên cũng cần tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, chuẩn bị 4 tại chỗ về mọi mặt. Không để “chạy theo dịch mà phải chủ động sẵn”, khi có ca bệnh phải truy vết, cách ly, điều trị ngay.
Tỉnh cũng cần kiểm tra chặt chẽ đường mòn, lối mở, tránh bỏ lọt những trường hợp nhập cảnh trái phép.
Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế lưu ý địa phương phải rà soát lại hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng. Phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng trong chống dịch để kịp thời phát giác những trường hợp không tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Đồng thời, với đặc thù về cơ cấu dân cư, Đắk Lắk cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo trong phòng chống dịch. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông phòng chống dịch bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, vận động các hộ gia đình ký cam kết tuân thủ phòng chống dịch.
“Trong phòng chống dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về đánh giá các mức độ nguy cơ, do dó tỉnh cần cập nhật thường xuyên. Đối với phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, cần thực hiện theo các hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu tuân thủ phòng chống dịch. Thực hiện xét nghiệm 20% số công nhân/ người lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Trong kiểm tra phòng chống dịch tại các khu/ cụm công nghiệp cần quan tâm chặt chẽ về xây dựng các kịch bản phòng chống dịch, các tình huống ca bệnh dương tính, có trường hợp F1… của từng doanh nghiệp, đơn vị.
“Ngoài giữ chặt khu/cụm công nghiệp, trong chống dịch, tỉnh Đắk Lắk cần cố gắng giữ chặt an toàn hệ thống cơ sở y tế, các cơ quan công , trường học”, Thứ tưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đánh giá cao tỉnh Đắk Lắk chủ động kích hoạt hoạt động của các khu cách ly tập trung trên tất cả các huyện, thành phố, tuy nhiên để chủ động trong phòng chống dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng tỉnh cần nâng cao năng lực các khu cách ly lên trên 10.000 trường hợp.
Tỉnh cần giao Sở Thông tin - Truyền thông thiết lập trung tâm chỉ huy về công nghệ trong phòng chống dịch, kết nối với Sở Chỉ huy chiến dịch tiêm chủng. Thiết lập hệ thống camera kết nối giám sát đến từng điểm cách ly.
Hiện năng lực xét nghiệm của Đăk Lắk hiện đạt 1.000 mẫu đơn/ngày; tối đa đạt 10.000 mẫu gộp/ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần nâng cao lên 3.000 mẫu đơn/ngày.
THIẾT LẬP MỘT SỐ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Trong điều trị, Thứ trưởng lưu ý Đắk Lắk lên phương án thiết lập sẵn một số bệnh viện dã chiến, chuẩn bị sẵn về nhân lực, thiết bị, hậu cần để có thể đưa vào sử dụng ngay khi cần.
Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải kết nối từ xa với Bệnh viện Chợ Rẫy; kết nối với Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng của Bộ Y tế qua Telehealth để sẵn sàng xin ý kiến chuyên gia trong trường hợp điều trị bệnh nhân nặng.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải kết nối với các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện dã chiến để sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cần. Chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần để triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.
"Mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn hiện chưa diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh vẫn tiếp tục có những rà soát trong phòng chống dịch. Yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Phát huy tối đa năng lực của Tổ covid cộng đồng tại địa phương, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh…".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Đắk Lắk xây dựng kế hoạch thực hiện, khẩn trương rà soát trang thiết bị bảo quản vaccine tại các điểm tiêm chủng. Rà soát nhân lực, tiến hành tập huấn về chuyên môn trên toàn tuyến cho cán bộ tiêm chủng.
Rà soát lại điểm tiêm, gia tăng điểm tiêm phù hợp với đặc điểm dân cư, rà soát đối tượng tiêm chủng. Đối với lực lượng hướng dẫn phân luồng, tiếp đón không cần cán bộ y tế. Riêng các khâu khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm, phải do cán bộ y tế đảm nhiệm.
Đặc biệt, "Tỉnh phải chuẩn bị sẵn về hậu cần và nhân lực cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm, lưu ý các điểm tiêm xa", Thứ tưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Báo cáo của tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, Đắk Lắk có 7 ca bệnh. Tuy nhiên tỉnh đã xây dựng phương án kịch bản cho tình huống hơn 400 ca bệnh trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 50.000 người, trong đó hơn 7.700 người đã tiêm đủ 2 mũi.
Để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành y tế Đắk Lắk đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lên phương án đào tạo nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực điều trị bệnh nhân nặng. Hiện bệnh viện đã tiến hành đào tạo/đào tạo lại nhân lực về cấp cứu cho các bệnh viện tuyến dưới, mỗi bệnh viện một ekip là 3 người.