May 26, 2024 | 10:08 GMT+7

Đảm bảo tính hợp pháp của cao su nguyên liệu nhập khẩu

Chu Khôi -

Cách đây 10 năm, kim ngạch nhập khẩu cao su thiên nhiên chỉ bằng 10-15% so với kim ngạch xuất khẩu, nhưng đến nay nhập khẩu đã bằng một nửa so với xuất khẩu. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo ngại…

Một rừng cao su do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng tại Lào
Một rừng cao su do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng tại Lào

Số liệu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho thấy, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam năm 2023 đạt 2,1 triệu tấn với giá trị 2,9 tỷ USD, ngược lại nhập khẩu gần 1,4 triệu tấn, với trị giá gần 1,4 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đạt 499 ngàn tấn, trị giá 743 triệu USD; nhập khẩu ước trên 360 triệu USD.

NGUỒN CUNG TRONG NƯỚC MỚI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC 40%

Theo ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), gia tăng nhập khẩu cao su thiên nhiên là điều nên mừng. Nếu như cách đây 10 năm, xuất khẩu của ngành cao su chủ yếu là mặt hàng cao su thiên nhiên, thì nay chủ yếu là sản phẩm cao su chế biến sâu.

Việt Nam đã và đang trở thành “công xưởng” chế biến và xuất khẩu cao su ở châu Á. Hiện diện tích cao su của Việt Nam khoảng 940 ngàn ha, sản lượng mủ hàng năm khoảng 1,3 triệu tấn, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu chế biến. Do đó phải nhập khẩu cao su nguyên liệu để phục vụ chế biến ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sau đó xuất khẩu.

Ông An cũng cho biết con số xuất khẩu cao su hàng năm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố luôn chỉ tính mặt hàng cao su thiên nhiên (mủ cao su tươi, mủ đông, mủ sơ chế).

 

"Thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su năm 2023 đạt hơn 9,4 tỷ USD. Trong đó, sản phẩm cao su chế biến sâu đạt kim ngạch cao nhất, với 4,4 tỷ USD, tiếp đó là cao su thiên nhiên gần 2,9 tỷ USD và gỗ cao su 2,2 tỷ USD".

Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA).

Trong khi đó, thực tế xuất khẩu của ngành cao su phải bao gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su chế biến sâu và gỗ cao su.

Nhóm sản phẩm cao su chế biến sâu, bao gồm: săm lốp xe, nệm gối, đế giày, găng tay, chỉ thun,… trong đó, lốp xe là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất, với giá trị ước đạt hơn 2,5 tỷ USD năm 2023, chiếm 58,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su và chủ yếu được xuất sang thị trường Hoa Kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su sang EU ước đạt gần 375,3 triệu USD, chiếm 8,6% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, nhiều nhất vẫn là lốp xe đạt 268,2 triệu USD.

Tại hội thảo trực tuyến “Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu” mới đây, TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends, cho biết Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ khoảng 10 quốc gia.

Trong đó, nguồn cung từ Campuchia và Lào quan trọng nhất, chiếm lần lượt là 79,8% và 11,1% trong tổng lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam nhập 1,4 triệu tấn cao su thiên nhiên từ Campuchia (kim ngạch 1,5 tỷ USD). Nguồn cung từ Campuchia tăng mạnh, từ 432.000 tấn năm 2020 lên 1,33 triệu tấn năm 2021.

Khảo sát của Forest Trends cho thấy hầu hết cao su thiên nhiên nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam chưa qua chế biến, thường ở dạng mủ đông, mủ ướt có nguồn gốc từ các hộ tiểu điền. Đối với cao su đã qua sơ chế, sản phẩm phổ biến bao gồm RSS và TSR là do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng cao su tại Campuchia và chuyển sản phẩm về nước.

NHẬP KHẨU CHỦ YẾU TỪ CAMPUCHIA VÀ LÀO

Hiện có 48 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào trồng cao su tại Campuchia. Tổng diện tích đất mà Chính phủ Campuchia cấp cho các doanh nghiệp này để trồng cao su là trên 200.000 ha. Trong đó, Tập đoàn Cao su (VRG) hiện có 16 công ty thành viên đầu tư tại Campuchia, với diện tích trồng khoảng 90.000 ha.

Năm 2022, Việt Nam nhập gần 200.000 tấn cao su thiên nhiên từ Lào, trị giá gần 242 triệu USD, tăng mạnh từ con số 140.500 tấn và 106,4 triệu USD năm 2020. Trong giai đoạn 2019 - 2022 mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình hơn 130 ngàn tấn cao su thiên nhiên từ Lào. Việt Nam nhập khẩu từ Lào chủ yếu các loại cao su thiên nhiên đã sơ chế theo tiêu chuẩn Việt Nam, gồm dạng mủ khối định chuẩn kỹ thuật (SVR, SLR) và cao su hỗn hợp.

Hiện, nguồn cung cao su thiên nhiên từ Lào có ba nguồn chính. Thứ nhất, nguồn cao su đại điền của các doanh nghiệp FDI (Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), đây là các dự án được Chính phủ Lào cấp đất để phát triển các vườn cao su. Trong 70.000 ha cao su do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng tại Lào, Tập đoàn Cao su (VRG) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sở hữu phần lớn.

Thứ hai, từ nguồn cao su đại điền của các doanh nghiệp Lào. Thứ ba, từ nguồn cao su tiểu điền do hộ dân trồng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2024 phát hành ngày 27/05/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đâyđây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đảm bảo tính hợp pháp của cao su nguyên liệu nhập khẩu - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate