October 17, 2023 | 10:00 GMT+7

Đám mây là lựa chọn tối ưu để tăng tốc chuyển đổi số

Hoàng Anh

Kiến trúc sư bảo mật cấp cao của AWS Kimberly Dickson khẳng định, rủi ro bảo mật, tấn công mạng có thể xảy ra ở bất cứ đâu và không chỉ trên môi trường đám mây. Nhưng điều chúng tôi mong muốn hướng tới cung cấp cho các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam khả năng đảm bảo an ninh chặt chẽ, an toàn trong hành trình ứng dụng đám mây, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số...

Bà Kimberly Dickson, Kiến trúc sư bảo mật cấp cao của AWS.
Bà Kimberly Dickson, Kiến trúc sư bảo mật cấp cao của AWS.

Công nghệ đám mây đang thay đổi cách con người làm việc. Các kỹ năng số có thể làm tăng GDP của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 934 tỷ USD. Với Việt Nam, nền kinh tế số được hỗ trợ bởi công nghệ đám mây có thể đạt giá trị 57 tỷ USD, chiếm 25-30% GDP. Trong đó, dữ liệu được coi là xương sống. Tất nhiên, đi kèm với đó là yêu cầu về an toàn bảo mật dữ liệu như một ưu tiên hàng đầu.

Đám mây đang dần “phủ” vào nhiều ngành, lĩnh vực

Tầm quan trọng của điện toán đám mây đã được thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19. Khi hoạt động học tập, công việc… diễn ra online, AWS đã giúp Zoom mở rộng hoạt động từ 10 triệu đến 300 triệu người dùng.

Tại Việt Nam, Lotte Data Communication Vietnam không chỉ giảm 50% chi phí vận hành mà còn tạo ra kết nối an toàn và bảo vệ DDOS cho khách hàng bằng cách xây dựng các giải pháp API trên AWS. Nhờ đó, Lotte Data Communication Vietnam có thể cung cấp những dịch vụ an toàn, khả dụng cao và tiết kiệm chi phí cho khách hàng.

Khoa tiếng Anh thuộc đại học Quốc gia Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp học tiếng Anh cho hơn 15.000 sinh viên mỗi năm. Trong suốt thời kỳ đại dịch, để duy trì trải nghiệm học tập chất lượng cao cho hàng nghìn sinh viên học tiếng Anh, Khoa tiếng Anh đã dịch chuyển Hệ thống quản lý học tập (LMS) lên đám mây, nhờ đó có thể mở rộng và cung cấp dịch vụ đào tạo cho 5.000 sinh viên trên 161 lớp học trực tuyến.

Hoặc như Techcombank là một trong những ngân hàng đã sử dụng giải pháp bảo mật AWS trong cung cấp các dịch vụ cho khách hàng của mình…

Từ thực tế này, bà Kimberly Dickson khẳng định, công nghệ đám mây không chỉ thúc đẩy hoạt động kinh doanh mà còn tạo ra tác động cho tất cả người dùng và khách hàng. Đó thực sự là một sự lựa chọn tối ưu khi tăng tốc quá trình chuyển đổi số.

Hóa giải những thách thức, lo ngại khi lên mây

Đám mây là giải pháp quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về vấn đề an ninh bảo mật dữ liệu.

Qua tiếp cận với doanh nghiệp, Kiến trúc sư bảo mật cấp cao của AWS nhận thấy, khó khăn thách thức không nằm ở mặt kỹ thuật mà là cách nhìn nhận về vấn đề an ninh bảo mật.

Theo chuyên gia này, có 3 yêu cầu cốt lõi khách hàng đặt ra khi ứng dụng đám mây. Thứ nhất, doanh nghiệp hiểu rõ chìa khóa thành công trên đám mây là đảm bảo an toàn và an ninh bảo mật là công cụ tối ưu hóa. Với những hoạt động an ninh bảo mật mạnh mẽ, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi phát triển và mở rộng quy mô cũng như sử dụng đám mây một cách an toàn để phục vụ khách hàng.

Thứ hai là vấn đề tối ưu hóa chi phí đầu tư vào an ninh bảo mật. Sự tối ưu hóa này có thể thực hiện bằng nhiều hình thức, không chỉ chi tiêu cho an ninh bảo mật mà còn là cách sử dụng nguồn lực, nhân tài của công ty.

Thứ ba, khách hàng cũng yêu cầu giải pháp nâng cao năng lực an ninh bảo mật không chỉ dành cho nội bộ tổ chức, các nhân viên bảo mật của tổ chức mà cho cả thị trường.

Để giúp khách hàng khai thác những cơ hội kinh tế từ đám mây và dữ liệu một cách an toàn, AWS cung cấp các giải pháp có thể triển khai và mở rộng bảo mật với mô hình chia sẻ trách nhiệm với khách hàng của mình.

Theo đó, AWS chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hạ tầng đám mây cũng như các dịch vụ mà AWS cung cấp cho khách hàng sử dụng. Khách hàng sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các biện pháp bảo mật các ứng dụng và tải công việc của họ, bao gồm cả bảo mật truy cập và mã hóa dữ liệu họ lưu trữ và xử lý trên đám mây AWS.

Theo bà Kimberly Dickson, doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự phức tạp ngày càng cao về tấn công mạng. Do đó, AWS muốn các doanh nghiệp có cái nhìn cụ thể và thấu hiểu rõ hơn các mối đe dọa. Ví dụ như với AWS Security Hub, một công cụ toàn diện, trực quan hóa giúp doanh nghiệp bao quát được cấu hình bảo mật cũng như hình dung được các mối đe dọa có thể hiện hữu trên đám mây.

AWS cũng tập trung đào tạo, nâng cao năng lực an ninh bảo mật. Từ năm 2017, hãng đã trang bị kỹ năng đám mây cho hơn 6 triệu nhân lực ở Châu Á - Thái Bình Dương và hơn 50.000 người tại Việt Nam.

“Tại AWS, chúng tôi hiểu rằng khả năng giám sát hiển thị các mối đe dọa bảo mật, kiểm soát để ngăn chặn và phát hiện các mối đe dọa là chìa khóa cho phép quá trình đổi mới tăng tốc một cách an toàn. Chúng tôi tin rằng, doanh nghiệp có thể ngăn chặn các hành vi vi phạm bằng các quy trình an ninh mạng hợp lý cùng biện pháp kiểm soát chặt chẽ”.

Nhấn mạnh điều này, chuyên gia bảo mật AWS khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chiến lược bảo mật phù hợp, vừa đảm bảo hoạt động sáng tạo và tăng trưởng, vừa đảm bảo quy trình bảo mật. Bảo vệ dữ liệu là một ưu tiên hàng đầu. Bằng cách đảm bảo dữ liệu an toàn thông qua xác thực đa yếu tố, các doanh nghiệp có thể thực hiện những bước đầu tiên trong việc bảo mật cho chính mình.

“Việt Nam luôn là thị trường chiến lược đối với AWS và chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong phát triển, đặc biệt là nền kinh tế kỹ thuật số”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate