TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam nhấn mạnh khi chia sẻ quan điểm về đàm phán tiền lương nhân Ngày Quốc tế Lao động (1/5).
Đánh giá quá trình thương lượng tập thể về tiền lương tại cấp cơ sở, TS Chang-Hee Lee cho rằng, so với 10 năm trước đây đã có những sự tiến bộ rất lớn. Cụ thể, đã có thêm nhiều doanh nghiệp có thỏa ước thương lượng tập thể, nhiều thỏa ước có các điều khoản ở mức cao hơn so với các yêu cầu tối thiểu của pháp luật. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, có một điểm thường bị thiếu ở phần lớn các thỏa ước lao động tập thể, đó chính là tiền lương.
Nhắc tới Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, TS Chang-Hee Lee cho rằng đây là một văn bản đặc biệt quan trọng đóng vai trò hướng dẫn các bên tham gia vào quan hệ lao động trong việc quyết định tiền lương và các điều kiện lao động khác.
Nghị quyết 27 đưa ra hướng dẫn rõ ràng về phương thức xác lập, điều chỉnh tiền lương, và hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO. Tuy nhiên, rất tiếc là nghị quyết vẫn chưa được áp dụng trên thực tế tại phần lớn các doanh nghiệp - TS Chang - Hee Lee.
Theo ông, có 3 điểm quan trọng trong nghị quyết này. Thứ nhất, nghị quyết ghi rõ Nhà nước không tham gia vào quá trình xác lập tiền lương ở cấp doanh nghiệp. Thứ hai, ghi nhận vai trò quan trọng của lương tối thiểu, nhưng đồng thời nêu rõ hạn chế của lương tối thiểu là chỉ để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Không thể dùng lương tối thiểu để quyết định tiền lương thực tế của mọi người lao động. Thứ ba, nghị quyết khuyến khích công đoàn và chủ sử dụng lao động xác lập tiền lương thực tế thông qua thương lượng tập thể.
“Nghị quyết 27 đưa ra hướng dẫn rõ ràng về phương thức xác lập, điều chỉnh tiền lương, và hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO. Tuy nhiên, rất tiếc là nghị quyết vẫn chưa được áp dụng trên thực tế tại phần lớn các doanh nghiệp”, TS Chang-Hee Lee bày tỏ.
Thỏa ước lao động tập thể có thể bao gồm những lợi ích ít quan trọng hơn như tiền ăn trưa hay tháng lương thứ 13, nhưng thường không đề cập đến tiền lương tháng. Ở tất cả các quốc gia khác, tiền lương là điều khoản quan trọng nhất trong thương lượng tập thể.
Khi tiền lương được xác lập thông qua thương lượng tập thể, người lao động có thể dành được phần phân chia lớn hơn từ việc tăng năng suất lao động của công ty, nhờ có được năng lực thương lượng mạnh hơn, so với trường hợp tiền lương không được xác lập thông qua thương lượng tập thể.
Điều này đảm bảo sự phân chia công bằng hơn về thành quả kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
Theo TS Chang-Hee Lee, Việt Nam có tham vọng vươn lên từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Để đạt được vị thế đó, Việt Nam không thể chỉ dựa vào đòn bẩy xuất khẩu, mà còn phải dựa cả vào động cơ quan trọng là tiêu dùng nội địa để phát triển kinh tế.
“Cầu nội địa đến từ tiêu dùng nội địa bởi người dân Việt Nam, mà phần lớn là người lao động. Vì thế sức mua của người lao động tăng cao hơn đóng vai trò quan trọng, và sức mưa cao hơn đến chính từ tiền lương cao hơn”, TS Chang- Hee Lee nhận định.
Bên cạnh đó, với Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã khám phá lại được giá trị của khách du lịch nội địa. Việt Nam cần khám phá lại tầm quan trọng của người lao động không chỉ ở cương vị của người làm ra sản phẩm, mà còn ở người tiêu dùng. “Họ chính là một trong hai động cơ của phát triển kinh tế song hành với động cơ còn lại là người tiêu dùng nước ngoài mua hàng xuất khẩu của Việt Nam”, TS Chang-Hee Lee nói.
Giám đốc ILO Việt Nam cũng nhấn mạnh đến vai trò của công đoàn. Ông cho rằng nếu công đoàn có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động tốt hơn, đàm phán tiền lương tốt hơn thì có thể góp phần tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn, và sự phát triển kinh tế cân bằng hơn, dẫn tới sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng.
Việt Nam có tham vọng vươn lên từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Để đạt được vị thế đó, Việt Nam không thể chỉ dựa vào đòn bẩy xuất khẩu, mà còn phải dựa cả vào động cơ quan trọng là tiêu dùng nội địa để phát triển kinh tế.