Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vốn đang trong xu hướng giảm giá mạnh bất ngờ tăng kỷ lục so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 26/10, chung xu thế tăng giá trên diện rộng của các đồng tiền khác so với bạc xanh khi giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất.
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà giao dịch cũng cho biết họ nhận thấy các ngân hàng thương mại Trung Quốc bán ra USD, và đây là một động lực nữa đưa Nhân dân tệ tăng giá mạnh.
Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục tăng 1,8%, đạt 7,1917 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Tại thị trường Trung Quốc đại lục, đồng tiền này tăng giá 1,4%.
Cú tăng bất ngờ khiến nhiều nhà giao dịch phải kích hoạt lệnh dừng lỗ đối với trạng thái bán khống Nhân dân tệ trước đó - giới thạo tin cho biết. Điều này khiến đà tăng càng mạnh thêm.
Theo chiến lược gia trưởng về tỷ giá và lãi suất khu vực châu Á Stephen Chiu của Bloomberg Intelligence, phiên tăng giá này của Nhân dân tệ là kết quả từ việc các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc có thể đã bán ra USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ, cộng thêm sự giảm giá trên diện rộng của đồng USD từ phiên trước đó. “Nhờ vậy, tỷ giá Nhân dân tệ ổn định lại trong ngắn hạn, sau những phiên giảm mạnh mấy ngày gần đây”, ông Chiu nói.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm hơn 1%, về mức dưới 110 điểm, từ mức gần 111 điểm của phiên trước. Trong 5 phiên trở lại đây, USD đã giảm giá hơn 2,8% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt, khi thị trường cho rằng một số dấu hiệu suy yếu gần đây của kinh tế Mỹ có thể dẫn tới việc Fed tăng lãi suất với tốc độ chậm lại kể từ tháng 12 năm nay.
Với phiên tăng ngày 26/10, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục thoát khỏi mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường đại lục tạm dứt xu hướng giảm kịch sàn biên độ của thời gian gần đây. Trước khi bật tăng trong phiên ngày 26/10, tỷ giá Nhân dân tệ tại đại lục chạm mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Các nhà giao dịch cho biết họ muốn chờ cho tới khi tình hình ổn định mới có thể kết luận đã có sự dịch chuyển lớn thực sự trong tâm lý thị trường về Nhân dân tệ hay chưa. Theo chiến lược gia trưởng Alvin T. Tan của RBC Capital Markets, đồng Nhân dân tệ vẫn có thể mất giá thêm trong trung hạn, xét tới những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Nhưng dù sao, tâm lý bi quan về Nhân dân tệ đã giảm bớt phần nào trong phiên ngày thứ Tư, khi tỷ giá đồng tiền này tại thị trường đại lục lần đầu tiên trong tháng 10 tăng kịch trần biên độ so với tỷ giá tham chiếu. Cũng trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tăng tỷ giá tham chiếu lần đầu tiên trong tháng 10, theo đó cũng giúp nâng đỡ tỷ giá đồng tiền này.
Theo dữ liệu từ TradingView, sau phiên tăng mạnh ngày 26/10, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD hiện vẫn giảm 12% so với thời điểm đầu năm.
Có hai nguyên nhân dẫn tới xu hướng trượt dốc của tỷ giá Nhân dân tệ trong năm nay, bao gồm sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ; và triển vọng u ám của kinh tế Trung Quốc.
Trong khi PBOC nới lỏng chính sách tiền tệ, bao gồm cắt giảm lãi suất, để vực dậy tăng trưởng kinh tế, Fed đã và được dự báo sẽ tiếp tục thắt chặt mạnh tay để chống lạm phát. Với PBOC, trọng tâm hiện nay là vấn đề tăng trưởng, còn với Fed, chống lại sự leo thang của giá cả mới là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Gần đây, một loạt tổ chức dự báo đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm nay. 3 quý đầu năm nay, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc chỉ đạt 3%, bằng hơn một nửa so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra cho cả năm. Các tổ chức dự báo lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) gần đây đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ chỉ tăng 2,8-3,3% trong năm nay.