Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, lúc gần 8h sáng nay (17/1), giá Bitcoin đứng trên ngưỡng 21.120 USD, tăng khoảng 1,3% so với cách đó 24 tiếng và tăng gần 23% so với cách đó 1 tuần. Mức giá này vẫn còn thấp hơn nhiều so với kỷ lục 68.990 USD mà Bitcoin thiết lập vào tháng 11/2021, nhưng đã đủ để mang lại cho giới đầu tư tiền ảo một số lạc quan nhất định.
Xu thế phục hồi gần đây của Bitcoin diễn ra sau một năm 2022 tồi tệ của ngành công nghiệp tiền ảo, khi lĩnh vực này chứng kiến một loạt vụ vỡ nợ và bê bối lớn, bao gồm vụ sụp đổ của sàn giao dịch FTX và giá tiền ảo sụt dốc - chung xu hướng của thị trường tài chính toàn cầu nói chung trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Giới phân tích đã chỉ ra một số yếu tố phía sau đà tăng giá của Bitcoin trong hơn nửa tháng qua, trong đó phải kể tới khả năng các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn trong năm nay. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nói đến hoạt động mua vào của các nhà đầu tư “cá mập”.
NĂM MỚI, CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ MỚI?
Lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đang giảm liên tục. Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 12 của nước này, cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1% so với tháng 1 – phù hợp với dự báo mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Các chỉ số kinh tế khác cũng đang cho thấy hoạt động kinh tế ở Mỹ giảm tốc. Điều này khiến nhà đầu tư lạc quan rằng Fed có thể đảo chiều chính sách tiền tệ, hoặc chí ít là trở nên nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất trong năm nay.
“Bitcoin có vẻ đang hồi phục nhờ sự hậu thuẫn của các dữ liệu vĩ mô, khi nhà đầu tư rũ bỏ mối lo về vụ sụp đổ của FTX”, trưởng nghiên cứu James Butterfill của công ty quản lý tài sản số CoinShares nói với hãng tin CNBC.
Fed đã nâng lãi suất 7 lần trong năm 2022, đẩy những tài sản có độ rủi ro cao như cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, rơi vào một vòng xoáy giảm giá. Tháng 12, Fed nâng lãi suất lên 4,25-4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Bitcoin và các tiền ảo khác cũng bị cuốn vào vòng xoáy mất giá của các tài sản, nhất là khi tiền ảo ngày càng bị nhà đầu tư xem là một tài sản rủi ro.
Trước kia, những người ủng hộ Bitcoin từng cho rằng tiền ảo này có tiềm năng trở thành một tài sản chống lạm phát. Nhưng Bitcoin đã không đạt được mục tiêu kỳ vọng này trong năm 2022, mà thay vào đó rớt giá hơn 60% trong lúc Mỹ và các nền kinh tế lớn khác chật vật xoay sở với lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ.
Ngoài sự giảm tốc của lạm phát, giới đầu tư còn kỳ vọng rằng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải trở nên mềm mỏng hơn. Khoảng 2/3 số chuyên gia kinh té trưởng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khảo sát dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm 2023.
Đồng USD trượt giá cũng là một nhân tố khác đưa giá Bitcoin hồi phục. Trong 3 tháng qua, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 9%.
“Chúng ta đang đang chứng kiến đồng USD qua đỉnh, lạm phát suy yếu, và tốc độ tăng lãi suất chậm lại. Tất cả đều là chỉ báo rằng tâm lý ham thích rủi ro sẽ gia tăng trong mấy tháng tới”, Phó chủ tịch Vijay Ayyar của sàn tiền ảo Luno nói với CNBC.
NHÀ ĐẦU TƯ “CÁ MẬP” GOM BITCOIN
Công ty dữ liệu tiền ảo Kaiko cho rằng những động thái gom mua Bitcoin của các nhà đầu tư lớn có thể đang là nhân tố quan trọng nhất kéo giá tiền ảo này đi lên. Dữ liệu mà Kaiko đưa ra ngày 16/1 cho thấy quy mô bình quân của các giao dịch tiền ảo diễn ra cùng ngày trên sàn Binance đã tăng lên mức 1.100 USD/oz, từ mức 700 USD vào hôm 8/1, một dấu hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư lớn đang khởi sắc.
Những nhà phân tích có quan điểm hoài nghi thì cho rằng điều này khiến cho thị trường dễ bị thao túng bởi một số ít nhà đầu tư nắm giữ lượng lớn tiền ảo. 97 địa chỉ ví Bitcoin lớn nhất hiện đang chiếm 14,15% tổng nguồn cung Bitcoin – theo dữ liệu từ công ty công nghệ tài chính River Financial.
Hồi tháng 12, giáo sư Carol Alexander thuộc Đại học Sussex nói với CNBC rằng Bitcoin có thể ở trong một “thị trường đầu cơ giá lên có kiểm soát” (managed bull market) trong năm 2023 mà ở đó giá Bitcoin sẽ vượt mốc 30.000 USD trong quý 1 và tiếp đó sẽ tăng lên mức 50.000 USD trong nửa sau của năm. Vị giáo sư cho rằng ngay cả khi khối lượng giao dịch tiền ảo giảm xuống thấp và mức độ lo sợ trên thị trường tăng cao, các nhà đầu tư lớn sẽ ra tay hỗ trợ thị trường.
VIỆC ĐÀO BITCOIN TRỞ NÊN KHÓ KHĂN HƠN
Ngoài hai yếu tố kể trên, còn có một số yếu tố khác đưa giá Bitcoin đảo chiều.
Các mỏ đào (miner) Bitcoin đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, khi giá tiền ảo sụt giảm mà giá điện lại tăng cao. Một số mỏ không “trụ” nổi với tình trạng này đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm hoạt động, dẫn tới nguồn cung Bitcoin suy giảm. Nhiều mỏ đã phải bán xả lượng Bitcoin mà họ đã tích trữ được để có tiền trả nợ. Đến nay, khi lượng Bitcoin đó đã được bán gần hết ra thị trường, áp lực mất giá đối với Bitcoin cũng được giải toả nhiều.
Gần đây hơn, độ khó của việc đào Bitcoin gia tăng, đồng nghĩa phải mất nhiều năng lượng điện toán hơn để đưa thêm một đồng Bitcoin mới vào lưu thông. Cuối tuần vừa rồi, độ khó của việc đào Bitcoin đã tăng lên mức kỷ lục 37,6 nghìn tỷ - theo dữ liệu của BTC.com. Điều này có nghĩa là tính bình quân, sẽ phải mất 37,6 nghìn tỷ hash (băm) mới có thể tìm được một khối Bitcoin hợp lệ và đưa vào chuỗi khối.
Giới đầu tư tiền ảo còn lạc quan trước sự kiện giảm một nửa phần thưởng khối (halving) Bitcoin trong năm 2024. Các nhà đầu tư xem mỗi lần “halving” là một lần dẫn tới nguồn cung Bitcoin suy giảm.
“Đã có những dấu hiệu đây có thể bắt đầu một chu kỳ mới của Bitcoin, như những gì vẫn thường xảy ra ở thời điểm khoảng 15-18 tháng trước sự kiện ‘halving’”, theo ông Ayyar.
Đợt “halving” sắp tới của Bitcoin dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2024.