May 23, 2024 | 15:56 GMT+7

Danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm giảm tỷ trọng Trái phiếu chính phủ

Tùng Thư -

Số liệu từ Cục giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài Chính) cho thấy: từ 2015 đến 2022, danh mục đầu tư ngành bảo hiểm thay đổi lớn về cơ cấu tài sản theo hướng giảm tỷ trọng trái phiếu Chính phủ và tăng nhanh tỷ trọng các tài sản sinh lời cao hơn...

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng mạnh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng mạnh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Cục giám sát Bảo hiểm thuộc Bộ Tài Chính, tổng giá trị đầu tư toàn ngành bảo hiểm cuối năm 2022 đạt hơn 680 nghìn tỷ đồng (27,2 tỷ USD) tăng 4,25 lần so với cuối năm 2015 (160.461 tỷ đồng).

Sự gia tăng về tổng giá trị các khoản đầu tư đã giúp hoạt động đầu tư tài chính trở thành trụ cột, đóng góp chính cho lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn khó khăn như năm 2023 vừa qua. Cập nhật số liệu từ các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết cho thấy, tổng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính năm 2023 là hơn 14.200 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với mức ghi nhận vào năm 2015. Hoạt động tài chính trở thành trụ cột, đóng góp chính đến lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn.

BẢO HIỂM NHÂN THỌ TĂNG MẠNH ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Trong báo cáo cập nhật ngành bảo hiểm vừa công bố, Công ty Chứng khoán Mirare Asset Việt Nam (MASVN) cho biết danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm đã có những sự thay đổi lớn về cơ cấu tài sản trong những năm qua. Các công ty bảo hiểm giảm mạnh tỷ trọng đầu tư vào Trái phiếu chính phủ, từ mức 57% trong năm 2015 xuống mức 36% vào cuối năm 2022. Thay vào đó, các doanh nghiệp bảo hiểm hướng đến các tài sản đầu tư có suất sinh lợi cao hơn, trong đó lớn nhất là tỷ trọng phân bổ vào các hợp đồng tiền gửi tại tổ chức tín dụng. Tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi đã tăng từ 30% của năm 2015 lên mức 44% vào năm 2022 và trở thành tài sản có tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm.

Lợi nhuận các mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.
Lợi nhuận các mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.

Một điểm đáng chú ý khác khi các doanh nghiệp bảo hiểm cũng bắt đầu tăng nhanh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm có bảo lãnh và không bảo lãnh) và đầu tư cổ phiếu. Tỷ trọng đầu tư vào các tài sản này đã tăng từ 6% trong năm 2015 lên 16% vào năm 2022.

Danh mục đầu tư toàn ngành bảo hiểm 2015 và 2022.
Danh mục đầu tư toàn ngành bảo hiểm 2015 và 2022.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là nhóm có sự thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư lớn hơn nhóm bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng tăng đầu tư vào các tài sản có suất sinh lợi cao hơn. 

Tỷ trọng đầu tư vào Trái phiếu chính phủ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giảm từ mức 70% (trong năm 2015) về 40% (vào năm 2022). Nhóm này phân bổ lại theo 3 hướng: (i)  tăng tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi tổ chức tín dụng từ 19% lên 41%, (ii) tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh tăng từ 1% lên 4% và (iii) đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh và cổ phiếu từ 4% tài sản lên 12% tài sản.

Trong khi đó, nhóm bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tập trung lớn nhất tài sản vào tiền gửi tổ chức tín dụng, duy trì tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp giảm từ 6% năm 2015 xuống 2% năm 2022 để tăng tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi từ 73% (2015) lên 79% (2022).

DỰ BÁO BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ TĂNG TRƯỞNG 10 – 12% TRONG NĂM 2024

Trước đây, bảo hiểm được đánh giá ngành kinh tế có nhiều tiềm năng và luôn duy trì mức tăng trưởng quanh con số 20%/năm. Đến năm 2023, khi thị trường tài chính xuất hiện biến cố lớn, doanh thu ngành bảo hiểm lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm trong hơn 10 năm.

Trải qua khó khăn năm 2023, tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ của Việt Nam đã sụt giảm từ 2,67% (trong năm 2022) xuống mức 2,31% (vào cuối 2023) (theo Tổng cục Thống kê).

Giới phân tích đánh giá mục tiêu GWM đạt 3,5% GDP vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra trong Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 là vô cùng thách thức. Tuy nhiên, việc đề ra mục tiêu trên cho thấy ngành bảo hiểm là một trong những ngành được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện tăng trưởng.  

Tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP  tạiViệt Nam.
Tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP  tạiViệt Nam.

Khó khăn chung của ngành trong năm 2023 đến từ lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ khi chịu ảnh hưởng kép: (1) số hợp đồng khai thác mới giảm 43,8% tương ứng với doanh thu giảm 44,5% trong 2023 và (2) lượng hợp đồng hiệu lực giảm 10,6% (năm 2022 tăng 5,9%).

Trong khi đó, lĩnh vực phi nhân thọ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương với mức tăng 5,1% trong năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực phi nhân thọ tỏ ra khả quan hơn với mức tănng trưởng doanh thu 9,8%, ước đạt 19.555 tỷ đồng.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Mirare Asset Việt Nam dự báo khả quan về lĩnh vực phi nhân thọ với mức tăng trưởng của năm 2024 đạt 10 – 12%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate