November 15, 2023 | 09:36 GMT+7

Nhập nhèm danh tính tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ, khách hàng gánh rủi ro

Hoài Phong

Không ít tình huống dở khóc dở cười trong câu chuyện giao kết hợp đồng bảo hiểm, ví dụ như tiền gửi tiết kiệm biến thành bảo hiểm đầu tư, hoặc người mua bảo hiểm lại hoàn toàn không quen biết tư vấn viên ký tên trên hợp đồng bảo hiểm của mình...

Tình trạng đại lý bảo hiểm cho "mượn" code khá phổ biến trên thị trường.
Tình trạng đại lý bảo hiểm cho "mượn" code khá phổ biến trên thị trường.

Ông N.T.S (phường 13, quận 6, TP.HCM) cho biết từ lời giới thiệu của người quen, một tư vấn viên bảo hiểm (tên C) liên hệ mời ông mua gói bảo hiểm của hãng D (sau này ông S mới biết là bảo hiểm liên kết đầu tư).

KHÁCH HÀNG KHÔNG HỀ BIẾT TƯ VẤN VIÊN TRÊN HỢP ĐỒNG CỦA MÌNH

Tuy nhiên, điều khó hiểu là tư vấn viên ký tên trong hợp đồng của ông lại là người ông chưa từng quen biết. “Tôi chưa từng được gặp và làm việc cũng như được chị T.A - người đứng tên trên hợp đồng tư vấn về bảo hiểm. Không hiểu sao người này lại đứng tên trong hợp đồng của tôi với vai trò tư vấn viên. Trong khi, người tư vấn cho tôi là một người khác”, ông S nói. Ông chia sẻ, sau khi vụ lùm xùm của một nữ nghệ sỹ xảy ra, ông mới xem lại hợp đồng và thấy quá nhiều bất thường. Cũng từ đó ông S phát hiện sự “nhập nhèm” về tư vấn viên đứng tên hợp đồng.

Một chi tiết đáng chú ý là người tư vấn bảo hiểm cho ông đã nhờ ông xác nhận “khống” rằng tư vấn viên T.A có tham gia tư vấn, nhưng, ông S không đồng ý. “Các tư vấn viên đáng lẽ phải tư vấn rõ ràng, giải thích cặn kẽ các điều khoản liên quan về quyền lợi cũng như rủi ro của bảo hiểm, nhưng họ đã không làm vậy”, ông S bày tỏ.

Ông S cho rằng điều này vi phạm quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể: “Để cho người khác sử dụng mã số đại lý của mình hoặc sử dụng mã số đại lý của người khác để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm”.

Không riêng ông S, tình trạng người mua bảo hiểm chưa bao giờ gặp mặt tư vấn viên ký tên trên hợp đồng của mình tưởng chừng vô lý, nhưng không quá hiếm.

Trong đơn khiếu nại gửi báo chí mới đây, bà L.H cũng phản ánh khi mua bảo hiểm của hãng P qua một ngân hàng, bà không được tư vấn đầy đủ về quyền lợi cũng như rủi ro, bản chất của loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Bà cũng chưa từng gặp mặt tư vấn viên bảo hiểm tên A - người ký tên trong hợp đồng bảo hiểm của bà. Những tranh cãi giữa các bên vì thế đã xảy ra.

Trong nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, tình trạng trên cũng được nhiều người phản ánh, đặc biệt phổ biến với các khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Đơn cử, khách hàng N.A mua bảo hiểm của hãng A qua ngân hàng V, sau khi đáo hạn khoản gửi hơn 3 tỷ đồng tại một ngân hàng, chị được nhân viên ngân hàng mời mua gói đầu tư với lãi suất cao.

Ít ngày sau, chị N.A nhận được điện thoại từ công ty bảo hiểm mới “tá hỏa” sản phẩm mình mua là bảo hiểm. Chị phát hiện hồ sơ với chữ ký của mình đã bị photo, cắt dán và đại lý đứng tên tư vấn là một người chị không hề biết.

VI PHẠM NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN HAY LỪA DỐI KHÁCH HÀNG?

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP. HCM, cũng chia sẻ trong quá trình hành nghề, ông gặp không ít trường hợp người tư vấn và đại lý bảo hiểm đứng tên trên hợp đồng hoàn toàn khác nhau.

“Ban đầu một nhân viên của ngân hàng tiếp cận, làm việc với khách. Sau đó tư vấn kiểu gói đầu tư, tiết kiệm… Tiếp đến, họ đẩy sang cho một người là đại lý bảo hiểm. Người này sau đó cung cấp hợp đồng bảo hiểm, phiếu yêu cầu bảo hiểm (thay vì toàn bộ hợp đồng) cho khách ký. Như vậy, khách hàng nhiều khi “lạ lẫm” với người tư vấn trên hợp đồng của mình”, ông Hùng nói và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nhóm lợi ích này.

Bà Hồ Thị Ngọc Như (Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính - IFRM) cho hay, vấn nạn nhân viên giao dịch ngân hàng không có chuyên môn bảo hiểm, không có code đại lý lại là người tư vấn, hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm cho khách hàng gửi tiết kiệm, vay vốn xảy ra khá nhiều.

“Không hiểu lý do gì toàn bộ hồ sơ này được chuyển về công ty bảo hiểm? Mã số đại lý của công ty bảo hiểm, đại lý đứng tên trong bộ hồ sơ này khách hàng chưa từng gặp mặt? Đây có thể xem là hành vi lừa dối khách hàng”, bà Như nói.

Một chuyên gia bảo hiểm cũng bày tỏ: Điều 9, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nghiêm cấm “hoạt động đại lý bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, một ngân hàng có thể là đại lý tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng để hoạt động phải đáp ứng quy định về đại lý bảo hiểm. Người trực tiếp hoạt động đại lý bảo hiểm bao gồm chào bán, giới thiệu, tư vấn về sản phẩm bảo hiểm phải là người có chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ.

Như vậy, nếu ngân hàng để cho một nhân viên chưa đáp ứng đủ điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm (chưa trải qua quá trình đào tạo nghiệp vụ, kiến thức sản phẩm, tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề và được cấp quyền bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư…), đồng thời không được doanh nghiệp uỷ quyền hoạt động đại lý bảo hiểm mà đi chào bán giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng là vi phạm quy định của pháp luật. 

 

Việc khách hàng thực sự hiểu và chấp nhận điều khoản, cơ chế hoạt động của sản phẩm sẽ giúp cho khách yên tâm và sẵn sàng gắn bó, duy trì tham gia sản phẩm lâu dài, từ đó doanh nghiệp bảo hiểm mới có được lợi nhuận, ngân hàng mới giữ được uy tín.

Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn bảo hiểm, bà Lê Thị Kim Ngân (Hà Nội) cho rằng việc một người không hề gặp mặt khách hàng để chào bán, giới thiệu, tư vấn sản phẩm nhưng lại ký tên trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm với tư cách đại lý bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm được quy định tại Khoản 2, Điều 129 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Ngoài ra, hành vi này cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định trong Bộ quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm.

Cụ thể, tại Khoản 3,4 Điều 4 trong bộ quy tắc, đại lý bảo hiểm phải: Gặp gỡ trực tiếp với khách hàng tiềm năng, bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm để tư vấn, đánh giá khả năng tham gia bảo hiểm, phạm vi được bảo hiểm một cách trung thực, khách quan; giải thích, hướng dẫn đầy đủ, trung thực cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, rủi ro hoặc sự kiện được bảo hiểm, loại trừ bảo hiểm và các quyền và nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia hợp đồng bảo hiểm”...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 - 2023 phát hành ngày 13 - 11 - 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nhập nhèm danh tính tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ, khách hàng gánh rủi ro - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate