September 30, 2022 | 15:37 GMT+7

Đảo chiều phục hồi trong phiên chốt quý 3, vốn ngoại mua mạnh

Kim Phong -

Trên 11% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE phiên này thuộc về bên mua của nhà đầu tư nước ngoài. Hôm nay cũng là phiên giao dịch cuối cùng của quý 3, là ngày chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ. Lực cầu mạnh phiên chiều đã giúp thị trường đảo chiều khá tốt, giúp tổng giao dịch 3 sàn tăng 48% so với hôm qua, đạt trên 19,1 ngàn tỷ đồng...

VN-Index đảo chiều khá hưng phấn chiều nay.
VN-Index đảo chiều khá hưng phấn chiều nay.

Trên 11% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE phiên này thuộc về bên mua của nhà đầu tư nước ngoài. Hôm nay cũng là phiên giao dịch cuối cùng của quý 3, là ngày chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ. Lực cầu mạnh phiên chiều đã giúp thị trường đảo chiều khá tốt, giúp tổng giao dịch 3 sàn tăng 48% so với hôm qua, đạt trên 19,1 ngàn tỷ đồng.

Nhu cầu cắt lỗ quá 2/3 phiên giao dịch cuối tuần vẫn rất cao. VN-Index sau khi thủng đáy hôm qua đã tạo ấn tượng mạnh và kích hoạt áp lực bán. Đà giảm kéo dài liên tục với độ rộng của VN-Index rất hẹp. Chỉ số chạm đáy lúc 1h40, giảm 2,36% so với tham chiếu tương đương gần 27 điểm.

Ở thời điểm VN-Index chạm đáy, độ rộng chỉ còn 40 mã tăng/445 mã giảm, trong đó 60 cổ phiếu giảm kịch sàn. Từ đáy này, lực cầu dâng lên khá mạnh. Điểm tích cực nhất là độ rộng cũng thay đổi tốt dần, đến khoảng 2h25 khi VN-Index bắt đầu chạm tới tham chiếu đã có 119 mã tăng/351 mã giảm. Kết phiên, độ rộng ghi nhận 192 mã tăng/264 mã giảm.

VN-Index đóng cửa đảo chiều thành công, tăng 0,54% so với tham chiếu, tương đương 6,04 điểm. VN30-Index tăng 0,4%, Midcap tăng 0,15% và Smallcap tăng 0,54%. Độ rộng vẫn còn khá hẹp cho thấy không phải cổ phiếu nào cũng có được lực kéo đủ để phục hồi hoàn toàn, chứ chưa nói đến chuyện tăng giá.

Rổ VN30 đảo chiều thành công nhất khi độ rộng cuối phiên ghi nhận 17 mã tăng/10 mã giảm. GAS gây ấn tượng mạnh bằng mức tăng bùng nổ từ khoảng 1h45 chiều. Giá từ 101.400 đồng tăng vọt lên 1120.000 đồng trước khi tụt trở lại 110.000 đồng lúc đóng cửa. GAS chốt phiên vẫn tăng 4,76%, là trụ “gỡ” điểm nhiều nhất cho VN-Index. FPT tăng 4,55%, CTG tăng 2,65%, BID tăng 1,19%, VRE tăng 2,94%, STB tăng 4,57%, SSI tăng 2,59% là những blue-chips đảo chiều thành công nhất.

Nhiều cổ phiếu lớn vẫn chưa thể hồi lại được tới tham chiếu.
Nhiều cổ phiếu lớn vẫn chưa thể hồi lại được tới tham chiếu.

Giao dịch của khối ngoại gây bất ngờ khi xả rất mạnh ở các blue-chips trong khi tổng vị thế ở HoSE vẫn là mua ròng. Cụ thể, khối ngoại giải ngân 1.922,5 tỷ đồng trong khi bán ra 1.762,8 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu thuộc rổ VN30 bị bán 1.098,3 tỷ đồng và chỉ mua 763,1 tỷ đồng.

Như vậy khối này xả ròng tới 335,1 tỷ đồng với các blue-chips, tập trung vào NVL -140,6 tỷ, VHM -86,5 tỷ, HPG -76,1 tỷ. Trong khi đó các mã ngoài rổ VN30 lại được mua ròng tốt, tiêu biểu là DGC +117 tỷ, KBC +79,1 tỷ, DPM +57 tỷ. Loạt mã DXG, PVD, GEX, VHC được mua ròng quanh 40 tỷ đồng. Các cổ phiếu này bù trừ cho lực bán trong rổ VN30, giúp vị thế tổng hợp của khối này trên HoSE vẫn là mua ròng 159,7 tỷ đồng.

Hôm nay là phiên chốt NAV quý 3 nên việc thị trường phục hồi được cho là có tác động nhất định từ hoạt động này. Tuy nhiên từ giao dịch cụ thể của khối ngoại, rõ ràng các giao dịch là khá mờ nhạt. VN-Index được nâng lên thành công nhờ các blue-chips, nhưng cầu ngoại đóng góp không nhiều. Khối ngoại mua vào chiếm khoảng 11% tổng giao dịch sàn HoSE là một tỷ trọng cao đột biến, nhưng dòng vốn trong nước mới là yếu tố quyết định. Ví dụ GAS hay FPT, BCM, CTG, BID là các trụ nâng đỡ chỉ số tốt nhất thì hầu như vắng bóng khối ngoại.

Với dao động khá lớn hôm nay, thị trường tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư lướt sóng. Thống kê cho thấy có tới 242 cổ phiếu đạt biên độ dao động phục hồi từ 3% trở lên, đủ nhiều để lướt sóng hiệu quả. Tuy vậy, hầu hết các cổ phiếu này vẫn là giảm giá trong vòng T+2,5, nên đây cũng chỉ là một hình thức đánh đổi, đẩy rủi ro lùi về tương lai trong trường hợp thị trường chưa chạm đáy.

Thanh khoản khớp lệnh gần 14,4 ngàn tỷ đồng trên hai sàn niêm yết là mức giao dịch khá cao, chỉ đứng sau phiên 17,7 ngàn tỷ đầu tuần này. Do hầu hết cổ phiếu giảm giá quá mạnh nên khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng là lớn, đạt 686,5 triệu cổ phiếu. Việc thị trường lao dốc, chỉ số gãy ngưỡng hỗ trợ nhưng vẫn có dòng tiền vào mua nhiều là một tín hiệu tích cực lúc này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate