Dự án “Tự tin lập nghiệp” được Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC), Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục nghề nghiệp (REACH) và Tổ chức Plan International Việt Nam (PIV) phối hợp triển khai thực hiện trong hai năm 2022 - 2023 với mục tiêu giải quyết vấn đề về sự thiếu năng lực, cơ hội tham gia vào thị trường lao động và tình trạng thất nghiệp ở thanh niên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội, nhấn mạnh hiện nay nhóm ngành Chăm sóc sắc đẹp và Thiết kế 2D đang nằm trong số các nhóm ngành thu hút lao động cao trên thị trường lao động.
Dự án hỗ trợ triển khai các khóa học ngắn hạn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã giúp rút ngắn thời gian học tập tại trường cho người học, đồng thời giải quyết nhu cầu việc làm, giúp người học sớm có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Thông qua dự án, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã triển khai đào tạo được 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp cho thị trường lao động 150 học viên. Dự án đã đem lại nhiều kết quả tích cực như đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động với nguồn nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo, hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn được học nghề với học bổng 100% từ nguồn kinh phí của dự án.
“Sau khi các khóa học nghề ngắn hạn kết thúc, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình đào tạo này để các em sinh viên, cũng như những người học có nhu cầu có thể tiếp cận các khóa học ngắn hạn, với chương trình đào tạo đã được nhà trường xây dựng thông qua chương trình của dự án”, bà Hường cho biết thêm.
Sau gần 2 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, với gần 1.500 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi 16 – 29 tuổi được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn, hoặc đào tạo kỹ năng mềm, trong đó tỷ lệ thanh niên tìm được việc làm có lương sau khi tham gia các lớp nghề ngắn hạn đạt trên 90%.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã thu hút sự tham gia của hơn 90 doanh nghiệp trong các hoạt động nâng cao năng lực và hỗ trợ tìm việc làm cho thanh niên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Điều phối dự án từ phía Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thông qua dự án, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp lồng ghép giới tại cộng đồng đến gần với thanh niên khó khăn hơn, giúp họ lựa chọn được ngành nghề phù hợp với mong ước và năng lực của bản thân.
Năm 2023, Viện đã hoàn thành mục tiêu trang bị kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho hơn 400 thanh niên trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Nhà hàng khách sạn và làm đẹp, tỷ lệ nữ giới chiếm 48%; hơn 90% thanh niên đã tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Yến, cựu học viên lớp nghề ngắn hạn về Thiết kế Đồ họa 2D, cho biết, trước lúc đi học em vẫn còn mông lung về tương lai và chưa tìm được định hướng cá nhân. Khả năng giao tiếp và làm việc nhóm còn yếu.
“Sau khi theo học em thấy bản thân đã hoàn thiện hơn nhiều, có thêm nhiều bạn mới. Em đã có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp mình đang làm và chắc chắn nó có thể kiếm ra thu nhập đủ cho em nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình”, Yến chia sẻ.
Bà Lê Quỳnh Lan, Quyền Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam cũng cho biết, Tổ chức cam kết đồng hành cùng với các đơn vị và các bạn thanh thiếu niên, để tiếp tục tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống thông qua chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề bền vững và theo định hướng thị trường, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động thời kỳ hậu Covid-19.
Chia sẻ thêm về định hướng tương lai của chương trình Futuremakers, bà Natasha Kwakwa, Trưởng Bộ phận Tác động Toàn cầu của Standard Chartered quốc tế, khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra những cách tốt hơn để hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là phụ nữ và người khuyết tật trên toàn thế giới nhằm đảm bảo mọi người, ở mọi nơi đều có thể tham gia vào nền kinh tế và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn”.