Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023.
Đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành thông và truyền thông ước khoảng 1.542.994 lao động, tăng 2% so với năm 2023.
Trong số trên, đóng góp doanh thu của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (công nghiệp ICT) ước đạt 3.878.296 tỷ đồng (tương đương gần 151,133,615 86 tỷ USD, tính theo tỷ giá 25.538,77), tăng 14,1%. Mục tiêu năm 2025, doanh thu ngành công nghiệp ICT là 4.320.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với (ước đạt) năm 2024.
Trái ngược con số tăng trưởng doanh thu khá cao, lợi nhuận sau thuế ngành công nghiệp ICT năm 2024 lại đi ngang, tức không tăng trưởng so với năm 2023, khi đạt 278.075 tỷ đồng (bằng năm 2023). Điều này cho thấy, năm qua các doanh nghiệp ngành ICT đẩy mạnh đầu tư và lợi nhuận có thể đến trong tương lai, hoặc lợi nhuận trong năm qua của doanh nghiệp ICT đã chững lại và chưa có được nhiều động lực tăng trưởng mới.
Dù vậy, trong bức tranh ngành công nghiệp ICT, điểm sáng là kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử sau một năm giảm mạnh (năm 2023 giảm 15,1% so với 2022 (133,615 tỷ USD), thì năm 2024 đã bật tăng mạnh trở lại khi ước đạt 132,341 tỷ USD, tăng 16,78% so với 2023 (113,324 tỷ USD).
Mục tiêu trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử của Việt Nam đạt 160 tỷ USD, tương đương tăng tới 20,8% so với năm 2024.
Con số đáng chú ý khác trong báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông là tỷ lệ Giá trị Việt Nam/Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT trong năm 2024 ước đạt 31,8%, tăng 3,1 điểm % so với năm 2023. Tỷ lệ giá trị này liên tục tăng trong 5 năm qua, và mức tăng trong năm 2024 khá vượt trội, cao hơn hẳn tỷ lệ tăng của các năm trước đó. Kế hoặc năm 2025, tỷ lệ Giá trị Việt Nam/Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT là 33,56%.
Cũng theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/11/2024, số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động là 54.500 doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu năm 2025 sẽ đạt 60.000 doanh nghiệp công nghệ số.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khá ấn tượng như trên, tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong lĩnh vực công nghiệp ICT thể chế chưa theo kịp sự phát triển.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp ICT được điều chỉnh bởi Luật Công nghệ thông tin ban hành năm 2006 và Nghị định số 71/2007/NĐ-CP. Trong khi đó, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với các công nghệ mới như 5G, IoT, AI, Big Data, Cloud, Blockchain đã tạo ra những cuộc cách mạng làm thay đổi bản chất của ngành công nghiệp công nghệ thông tin dẫn đến sau gần 20 năm thực thi, hành lang pháp lý về công nghiệp công nghệ thông tin bộc lộ những vướng mắc, bất cập,thể chế chưa theo kịp sự phát triển, cụ thể:
Một là, các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tinT đã có sự phát triển đột phá làm thay đổi bản chất của công nghệ thông tin như điện toán đám mây, viễn thông thế hệ mới (5G+), trí tuệ nhân tạo (AI),... dẫn đến thay đổi căn bản hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin (bao gồm hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin).
Các sản phẩm, dịch vụ truyền thống hầu hết đã được thông minh hóa bằng công nghệ AI và xử lý dữ liệu, cần được luật hóa cùng với đó là các biện pháp quản lý, giải pháp thúc đẩy phù hợp.
Hai là, với sự xuất hiện của các công nghệ số mới, trong khi chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh thì cần một cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (hay còn gọi là Sandbox).
Ba là, hệ thống pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin hiện hành chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bốn là, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang là xu thế phát triển tất yếu, tác động đến toàn xã hội, cần có biện pháp quản lý, thúc đẩy phù hợp với các sản phẩm AI mà hệ thống pháp lý hiện hành lại chưa có quy định để điều chỉnh.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết sẽ hoàn thiện thể chế, xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và các văn bản hướng dẫn Luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.