November 09, 2023 | 10:27 GMT+7

Đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm

Phúc Minh -

Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm; phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ tiêu này...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

PHẤN ĐẤU VÀO NHÓM 3 NƯỚC DẪN ĐẦU ASEAN VỀ TỐC ĐỘ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030.

Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm đến năm 2025 và tăng trung bình 20%/năm đến năm 2030.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đạt dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030.

Đồng thời, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP vào năm 2025 và đạt khoảng 50% GDP vào năm 2030.

THÍ ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG Ở MỘT SỐ LĨNH VỰC

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chương trình đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Trước hết là nhóm giải pháp về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động.

Nhóm giải pháp về hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động

Trong đó, tập trung vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững và có lợi thế cạnh tranh; hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy liên kết, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Giải pháp nữa là thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động. Tập trung vào lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Giải pháp khác là thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập sâu rộng hơn; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động; kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù. Nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo động lực cải thiện năng suất lao động ở khu vực công.

Nhóm giải pháp tiếp theo là phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng lồng ghép giải pháp tăng năng suất lao động vào các chương trình, cơ chế, chính sách xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số sâu rộng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.

Chương trình cũng đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành. Tập trung vào phát triển vùng và liên kết vùng hiệu quả. Hình thành không gian phát triển các tiểu vùng phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội để kết nối phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng năng suất lao động ở các tiểu vùng và từng địa phương trong vùng.

Thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics tại một số thành phố lớn…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate