Năm 2003, kinh tế Việt Nam phải cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt ngành xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Đặc biệt, bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS đẩy nhiều tỉnh thành đứng trước nguy cơ phải “bế quan tỏa cảng” trong nhiều tháng.
20 năm sau, một vòng xoáy khó khăn tương tự đã lặp lại nhưng với mức độ gay gắt, khốc liệt hơn. Covid -19 kéo dài; xung đột vũ trang dai dẳng, suy thoái kinh tế thế giới ngày càng trầm trọng đã “ghì” chặt đà tăng trưởng của Việt Nam.
Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nhân, doanh nghiệp Việt vẫn tìm ra nhiều giải pháp linh hoạt để thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới, từ đó trụ vững và phát triển.
Cũng từ thời điểm năm 2003, sáng kiến tạo dựng và phát triển một cộng đồng doanh nghiệp “Thương hiệu mạnh Việt Nam” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) - VnEconomy – Vietnam Economic Times khởi xướng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.
Là lãnh đạo của một trong số các doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam nhiều năm qua, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, chia sẻ rằng các chương trình hành động hướng đến phát triển bền vững đã được Vinamilk thúc đẩy nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của công ty.
Vinamilk hiện đang sở hữu và quản lý hơn 40 đơn vị thành viên gồm hệ thống các nhà máy, trang trại, chi nhánh… cả trong và ngoài nước. Không chỉ là doanh nghiệp lớn trong nước mà Vinamilk đã khẳng định rõ nét hơn thương hiệu của mình khi vươn ra thế giới.
CÙNG THƯƠNG HIỆU LỚN MẠNH, VƯƠN TẦM THẾ GIỚI
Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, Vinamilk đã hoàn thành lắp đặt năng lượng mặt trời cho tất cả các trang trại và đang triển khai trên tất cả các nhà máy để giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng. Chuyển đổi, gia tăng tỷ lệ năng lượng xanh - năng lượng tái tạo trong hệ thống nhà máy, trang trại cùng với việc ứng dụng tư duy kinh tế tuần hoàn để quản lý, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường và cộng đồng.
“Với những thành tựu lớn trong những năm vừa qua, chúng tôi đạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 2022- 2023, Vinamilk tiếp tục được vinh danh trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam. Đây thực sự là vinh dự, tự hào. Vinamilk luôn nỗ lực để giữ gìn uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sữa số 1 Việt Nam”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, cho rằng chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam thực sự rất có giá trị, uy tín với cộng đồng doanh nghiệp. Năm nay, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam được vinh danh trong Top Thương hiệu mạnh phát triển bền vững. Đây là vinh dự rất lớn, tuy rằng khi có thêm danh hiệu cũng đồng nghĩa sẽ có thêm áp lực, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như cán bộ, công nhân viên luôn cần cố gắng để phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định rằng các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày nay đang ngày càng chứng tỏ được bản lĩnh, trí tuệ và vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, ngoài các giải thưởng, các chương trình tôn vinh, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đội ngũ doanh nhân yên tâm sáng tạo, cống hiến, nâng tầm doanh nghiệp của mình.
Theo Nghị quyết 45 của Chính phủ, mục tiêu tới năm 2025 Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp; đến năm 2030, số doanh nghiệp tư nhân dự kiến tăng lên ít nhất là 2 triệu và hình thành nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây là mục tiêu đầy thách thức và cũng đầy tham vọng của Việt Nam.
20 năm qua, Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam cũng như Tạp chí Kinh tế Việt Nam tự hào đã góp phần tích cực vào sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt.
KINH TẾ PHÁT TRIỂN KHI CÓ NHIỀU THƯƠNG HIỆU MẠNH
Năm 2023, con tàu kinh tế Việt Nam đang phải băng qua những khúc cua ngặt nghèo nhất, đây cũng là khoảng thời gian cho thấy những nỗ lực thích nghi, nâng cao năng lực cạnh tranh để bứt tốc, vượt khó của doanh nghiệp Việt trong điều kiện mới.
Các tập đoàn lớn như: PetroVietnam, Viettel, Vinamilk, Vietcombank, BIDV, Agirbank, Vingroup, Thaco, Masan, FPT… được vinh danh trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2023. Đây đều là các doanh nghiệp đã luôn vững vàng trước sóng gió và thực sự trở thành niềm tự hào của người Việt.
Vượt qua nhiều khó khăn, chinh phục được hàng triệu người tiêu dùng để đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, những doanh nghiệp như HDBank, Ecopark, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, VP Bank, VNPT, Hòa Phát… được vinh danh trong Top 10 Thương hiệu mạnh kinh doanh xuất sắc.
Đạt tốc độ phát triển nhanh, mạnh trong năm 2023, những thương hiệu nổi bật như: Vinfast, Vinaconex, Vietjet Air, Thiên Nam, Eximbank, Tân Long, Nam Á Bank… được vinh danh trong Top 10 Thương hiệu tăng trưởng ấn tượng.
Ngoài ra, các thương hiệu khác như: Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện EMS, Techcombank, OCB, Seabank, Sacombank, DNSE, VnPay, Vietnam Post, Rạng Đông đã được bình chọn Top 10 Thương hiệu mạnh - tiên phong đổi mới sáng tạo.
Hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, bền vững, nhiều năm qua những cái tên như: Đạm Phú Mỹ, An Cường, Flamingo, Tân Á Đại Thành, Masterise, Hoa Sen Group, PTI, Phú Long, Yến Sào Khánh Hòa… đã đạt những kết quả ấn tượng trong quá trình xanh hóa sản xuất, Zero Carbon. Những thương hiệu nêu trên được bình chọn, vinh danh trong Top Thương hiệu tăng trưởng xanh và Top Thương hiệu phát triển bền vững.
Ngoài vinh danh các thương hiệu mạnh, đạt nhiều kết quả ấn tượng trong sản xuất, kinh doanh, năm nay Ban tổ chức tiếp tục vinh danh, trao Cup cho các doanh nhân xuất sắc lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân bày tỏ sự trân trọng và vinh dự khi nhận được các phần thưởng giá trị từ Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam và coi đây là động lực để các doanh nhân đạt giải tiếp tục cố gắng, nỗ lực giúp nâng tầm doanh nghiệp, doanh nhân Việt.
Theo TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, 20 năm qua Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức đã bình xét, công bố và vinh danh hàng ngàn doanh nghiệp. Đây đều là những doanh nghiệp rất xứng đáng, bởi họ đã nỗ lực cống hiến nhiều năm, không chỉ mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động mà còn góp phần thay đổi, nâng tầm nhiều địa phương. Có thể khẳng định, có càng nhiều doanh nghiệp mạnh, thương hiệu mạnh thì kinh tế sẽ càng phát triển, đời sống người dân no ấm, đầy đủ hơn.
Với sứ mệnh đồng hành cùng doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng như Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp để chung tay xây dựng một Việt Nam phồn thịnh.