April 27, 2025 | 14:36 GMT+7

Dấu ấn kinh tế thế giới tuần 21-27/4/2025: Mỹ bớt căng thẳng với Trung Quốc, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm

An Huy -

Một số thông tin và sự kiện chính của kinh tế thế giới trong tuần từ ngày 21-27/4/2025 do VnEconomy điểm lại...

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Lễ Phục sinh ở Nhà Trắng hôm 21/4 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Lễ Phục sinh ở Nhà Trắng hôm 21/4 - Ảnh: Reuters.

Nét chính trong bức tranh kinh tế toàn cầu tuần qua là cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung bớt căng thẳng nhưng vẫn còn âm ỉ nóng. Nhìn trong trung hạn, các nhà dự báo tiếp tục bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế do những bất định mà chiến tranh thương mại gây ra.

Dưới đây là một số thông tin và sự kiện chính của kinh tế thế giới trong tuần từ ngày 21-27/4/2025 do VnEconomy điểm lại:

Đàm phán thương mại hầu như chưa có bước tiến đáng kể

Hàn Quốc là quốc gia thứ hai chính thức khởi động đàm phán thương mại với Mỹ, sau Nhật Bản. Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Hàn đầu tiên đã diễn ra ở Washington tuần này, bên lề chuỗi sự kiện mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Giới chức Mỹ và Hàn Quốc đều lạc quan sau cuộc gặp, nhưng vòng đàm phán này mới chỉ là tiền đề cho các cuộc gặp tiếp theo thay vì mang lại một kết quả cụ thể nào đó.

Tương tự, Nhật Bản đã có vòng đàm phán thương mại thứ hai với Mỹ trong tuần này, nhưng cũng chưa đạt được tiến triển nào.

Đàm phán Mỹ - Ấn đang rục rịch khởi động. Trong chuyến thăm Ấn Độ diễn ra trong tuần này của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, ông Vance và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí về những nội dung mà hai bên sẽ đưa ra thảo luận trong đàm phán thương mại song phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent - nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ ở thời điểm hiện tại, tính đến tuần này, đã có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp cận Mỹ để chờ được đàm phán.

Ông Trump bớt căng thẳng với Trung Quốc, nhưng hai nước chưa chính thức xúc tiến đàm phán

Sau một thời gian liên tục leo thang thuế quan với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này đã có sự xuống thang nhất định. Ông nói có thể cắt giảm mạnh thuế quan cho Trung Quốc nếu hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Ông Bessent cũng nói mức thuế quan cao mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa của nhau hiện nay, gồm mức 145% từ phía Mỹ và 125% từ phía Trung Quốc, là không bền vững.

Tuy nhiên, Washington và Bắc Kinh đã ít nhiều gây hoang mang trong tuần này khi đưa ra những tuyên bố không nhất quán về việc đã khởi động đàm phán thương mại hay chưa. Ông Trump nói Trung Quốc đã liên lạc với Mỹ và hai bên đang có các cuộc thảo luận, nhưng Trung Quốc phủ nhận thông tin đó.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Tâm lý bi quan phủ bóng lên chuỗi sự kiện của IMF và WB diễn ra ở Washington trong tuần này.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố ngày 22/4, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay về 2,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm từ mức dự báo tăng 3,3% đưa ra hồi tháng 1. Dự báo về năm 2026 giảm 0,3 điểm phần trăm, còn 3%.

“Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà hệ thống kinh tế toàn cầu đã vận hành suốt 80 năm qua đang bị thiết lập lại”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gounrinchas của IMF phát biểu với báo giới.

Xung đột giữa ông Trump với Chủ tịch Fed lắng xuống

Ngoài căng thẳng Mỹ - Trung có phần dịu đi trong tuần này, giới đầu tư đón một tin vui khác là ông Trump ngừng tấn công Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Hôm 22/4, ông Trump cho biết ông “không có ý định” sa thải ông Powell trước khi nhiệm kỳ của ông Powell chính thức kết thúc vào năm tới. Trước đó, giới đầu tư đã bất an cao độ khi ông Trump liên tục chỉ trích ông Powell và đòi Fed nhanh chóng hạ lãi suất.

Giá vàng biến động dữ dội sau khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 3.500 USD/oz

Giằng co mạnh trong biên độ rộng, có thể lên tới hàng trăm USD/oz mỗi phiên là xu thế của giá vàng trong tuần này. Hôm thứ Ba, giá vàng lập kỷ lục mọi thời đại trên 3.500 USD/oz, sau đó sụt giảm mạnh trở lại do áp lực chốt lời.

Tuy giá vàng hoàn tất một tuần giảm, nhu cầu tìm kiếm “hầm trú ẩn” ở vàng của giới đầu tư vẫn ở mức cao do chiến tranh thương mại vẫn âm ỉ nóng và không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra khi hết thời hạn miễn thuế quan đối ứng vào đầu tháng 7.

Chứng khoán Mỹ và đồng USD cùng hồi phục

Việc thương chiến tạm ngừng leo thang và ông Trump thôi công kích Chủ tịch Fed đã mở đường cho thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD cùng hồi phục trong tuần này. Tuần trước, các tài sản Mỹ bị bán mạnh do nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào kinh tế Mỹ và lo ngại về sự độc lập của ngân hàng trung ương nước này.

Cả tuần, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - tăng 4,6%, trong khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng hơn 0,2%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate