Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang tới một món quà “lớn lao, đẹp đẽ” cho người dân Mỹ trong ngày Quốc khánh 4/7 của nước này, khi ông đặt bút ký để dự luật thuế và chi tiêu mang tính cột mốc trở thành một đạo luật. Cũng trong tuần này, thế giới “nín thở” đợi các động thái của Mỹ trước khi kết thúc thời hạn 90 ngày tạm miễn thuế đối ứng vào tuần tới.
Dưới đây là một số thông tin và sự kiện kinh tế thế giới chính trong tuần từ ngày 30/6-6/7 do VnEconomy điểm lại:
Ông Trump ký dự luật giảm thuế “lớn lao, đẹp đẽ”
Ngày 4/7, ông Trump đã ký ban hành đạo luật thuế và và ngân sách có tên “One Big, Beautiful Bill Act” (OBBBA) trong một buổi lễ trang trọng tại Nhà Trắng, đúng vào dịp Quốc khánh Mỹ. Đạo luật này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách kinh tế của Mỹ mà còn hiện thực hóa nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông. Với tổng chi phí ước tính lên tới 4.500 tỷ USD, OBBBA hứa hẹn sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ, từ chính sách thuế cho đến an sinh xã hội.
Đạo luật OBBBA được thông qua với sự ủng hộ sít sao từ lưỡng viện Quốc hội Mỹ, với kết quả là số phiếu 51-50 tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện và 218-214 tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện. Ông Trump đã ca ngợi đây là đạo luật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhấn mạnh rằng nó sẽ giúp nước Mỹ "vĩ đại trở lại". Đạo luật này không chỉ bao gồm các chính sách cắt giảm thuế mà còn tăng cường chi tiêu cho quốc phòng và an ninh biên giới.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng đạo luật này có thể khiến nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ thêm trầm trọng. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), dự luật này sẽ khiến khối nợ 36,2 nghìn tỷ USD của Chính phủ liên bang Mỹ tăng thêm 3,4 nghìn tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ tới.
Ông Trump tuyên bố sẽ gửi thư thông báo thuế quan tới nhiều nước
Ngày 4/7, ông Trump cho biết đã ký thứ thông báo thuế quan gửi 12 nước, nêu rõ mức thuế cụ thể áp lên mỗi nước khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Ông cho biết những lá thư này sẽ được gửi đi vào ngày thứ Hai (7/7) và các nước có thể “chấp hay hay không thì tùy”. Ông không cho biết những quốc gia và vùng lãnh thổ cụ thể nào sẽ nhận được thư.
Trước đó, vào hôm thứ năm, ông Trump nói với các nhà báo rằng ông dự kiến loạt thư đầu tiên sẽ được gửi đi vào ngày thứ Sáu. Tuyên bố mới nhất cho thấy kế hoạch đã có sự xê dịch.
Ngày 9/7 tới sẽ là ngày mà thuế suất cao hơn của thuế đối ứng sẽ có hiệu lực trở lại đối với các nước chưa đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ sau 90 ngày tạm hoãn. Ông Trump ngày 4/7 nói thuế suất của thuế đối ứng có thể sẽ tăng thêm, có thể lên tới 70%, thay vì 50% như đã công bố trước đây.
Đàm phán thương mại của Mỹ với một số đối tác lớn vẫn chưa mang lại thỏa thuận
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/7 cho biết chưa đạt được bước đột phá nào trong đàm phán thương mại với chính quyền ông Trump và đang tìm cách để được Mỹ gia hạn việc tạm miễn thuế suất cao hơn của thuế đối ứng. Trước đó, giới quan sát cũng kỳ vọng Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ trước thời hạn 9/7, nhưng kỳ vọng này cũng chưa trở thành hiện thực.
Những diễn biến trong tuần vừa rồi cũng cho thấy cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật gặp nhiều vướng mắc, bao gồm các vấn đề về ô tô và gạo. Ông Trump đã cảnh báo sẽ gửi thư tới Nhật Bản để thông báo Mỹ sẽ áp thuế quan 30-35% lên hàng hóa Nhật.
Việc chính quyền Mỹ đi đến quyết định gửi thư thông báo thuế quan cho thấy những thách thức trong việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại với tất cả các chi tiết từ thuế quan tới phi thuế quan với một số lượng lớn các đối tác trong một thời gian ngắn. Đến nay, phía Mỹ mới thông báo đạt được thỏa thuận với Anh, Trung Quốc và Việt Nam.
Đồng USD tiếp tục giảm giá mạnh
Tuần này, đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá, do mối lo ngại của giới đầu tư về những tác động bất lợi mà chính sách thuế quan của ông Trump có thể gây ra với kinh tế Mỹ. Ngoài ra, đạo luật giảm thuế của ông Trump cũng gây áp lực mất giá lên USD vì khả năng làm nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng.
Trong tuần, có lúc chỉ số Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm rưỡi. Cả tuần, chỉ số giảm hơn 0,4%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 10,6%.
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới và sự vững vàng của thị trường lao động Mỹ
Giữa chiến tranh thuế quan, thị trường lao động Mỹ vẫn cho thấy sự vững vàng đáng ngạc nhiên.
Báo cáo hàng tháng công bố hôm thứ Năm của Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 147.000 công việc trong tháng 6, vượt xa con số 110.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones và con số công việc mới đã được điều chỉnh của tháng 5 là 144.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,1%, trái với dự báo là tăng lên 4,3%.
Sau báo cáo, các nhà giao dịch giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 95% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 7.
Tín hiệu khả quan về nền kinh tế đã đưa thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới trong tuần này, với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng đóng cửa ở mức cao chưa từng có trong phiên ngày thứ Năm.
Ông Trump tiếp tục xung đột với Chủ tịch Fed
Ông Trump không ngừng công kích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì chưa giảm thêm lãi suất. Tuần này, ông chủ Nhà Trắng thậm chí đã gửi một bức thư tay yêu cầu ông Powell giảm lãi suất ngay. Trong thư, ông Trump nói Mỹ đang là một trong những nước có lãi suất cao nhất thế giới và cáo buộc ông Powell đã “khiến nước Mỹ mất cả một gia tài” và vẫn “đang làm như vậy”.
Sau đó, trong một sự kiện ở châu Âu hôm 1/7, ông Powell thừa nhận rằng Fed lẽ ra đã giảm lãi suất sâu hơn nếu không có các kế hoạch thuế quan của ông Trump. “Trên thực tế, chúng tôi đã hoãn việc giảm lãi suất lại vì quy mô của thuế quan và vì các dự báo lạm phát ở Mỹ đã tăng đáng kể do thuế quan đó”, ông Powell nói.
Nhiều đồng tiền châu Á tăng giá mạnh so với USD
Một phần do xu hướng mất giá trên diện rộng của USD, một phần do các yếu tố khác, nhiều đồng tiền châu Á đang tăng giá mạnh so với USD, như đồng đôla Đài Loan, won Hàn Quốc hay yên Nhật Bản.
Hôm thứ Ba tuần này (1/7), đôla Đài Loan tăng giá 2,5% so với USD, đạt mức 29,16 đôla Đài Loan đổi 1 USD. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của đôla Đài Loan kể từ đầu tháng 5, thời điểm đồng tiền này bắt đầu tăng giá mạnh và đặt các công ty bảo hiểm nhân thọ của Đài Loan trước rủi ro thua lỗ lớn ở danh mục tài sản Mỹ mà họ nắm giữ. Một nguyên nhân quan trọng phía sau đà tăng này là ngành bảo hiểm nhân thọ và khu vực xuất khẩu khổng lồ của Đài Loan đẩy mạnh việc phòng hộ sự suy yếu của tỷ giá đồng USD.
Giá kim loại đồng tăng mạnh vì khả năng Mỹ áp thuế quan
Phiên giao dịch ngày 2/7, giá đồng tham chiếu tại thị trường London đạt mức khoảng 10.000 USD/tấn, cao nhất hơn 3 tháng. Cùng với đó, lượng đồng tồn trữ trong mạng lưới nhà kho trên toàn cầu của Sở Giao dịch kim loại London (LME) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2023 - theo tờ báo Financial Times. Nguyên nhân nằm ở việc chính quyền ông Trump có thể áp thuế quan lên đồng nhập khẩu, dẫn tới một cuộc chay đua vận chuyển đồng tới Mỹ trong mấy tháng qua.