July 09, 2025 | 10:32 GMT+7

Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu vẫn hy vọng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ

An Huy -

Động thái hoãn thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump đã mang lại một vài tia hy vọng cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về khả năng cuối cùng vẫn sẽ có thỏa thuận thương mại với Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, một số đối tác thương mại nhỏ hơn như Nam Phi đang có phần hoang mang - hãng tin Reuters cho hay.

Ngày thứ Hai tuần này, ông Trump gửi thư đến 14 quốc gia, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, công bố mức thuế quan đối ứng mới dao động từ 24-40%, đồng thời gia hạn thời gian áp thuế đối ứng đầy đủ từ ngày 9/7 tới ngày 1/8. Ngày thứ Ba, ông Trump tuyên bố thời hạn 1/8 này là cuối cùng: “Sẽ không có sự gia hạn nào nữa”.

Theo giới chuyên gia và giới chức chính quyền Mỹ, những động thái này cho thấy ông Trump không hài lòng với các cuộc đàm phán thương mại kéo dài và phức tạp. Theo hãng tin Reuters, ông Trump nói rằng ông từ lâu đã chuộng việc áp thuế quan một cách đơn giản thay vì các cuộc đàm phán thương mại trong đó có những hạn chế đối với một số nước và cả những đề xuất của mỗi nước với Mỹ.  Cùng ngày thứ Ba, ông tuyên bố áp thuế quan 50% lên kim loại đồng nhập khẩu và cảnh báo có thể áp thuế quan 200% lên dược phẩm nhập khẩu.

Reuters cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tập trung vào mặt tích cực của tình hình, nói rằng Chính phủ của ông sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán với Mỹ để hướng tới một thỏa thuận “có lợi cho cả hai nước, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản”.

Dù là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật bị ông Trump áp mức thuế đối ứng 25%, bên cạnh các mức thuế mà ông Trump đánh riêng theo từng ngành hàng, gồm 25% đối với ô tô và 50% đối với nhôm và thép. Nhật Bản đặc biệt muốn được giảm thuế ô tô bởi ngành này là một ngành trụ cột của kinh tế Nhật. Nước này cũng chưa hưởng ứng lời kêu gọi của ông Trump về tăng nhập khẩu gạo Mỹ vì muốn bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp trong nước.

 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 8/7, ông Stephen Miran - Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng - nói với kênh Fox News rằng có thể có thêm nhiều thỏa thuận thương mại nữa được công bố trong tuần này miễn là các quốc gia đưa ra những đề nghị mà Trump cho là xứng đáng.

Chính phủ của ông Ishiba sẽ đối mặt với cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 20/7, và giới chuyên gia nói rằng nếu Tokyo nhượng bộ Mỹ quá nhiều, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có thể sẽ gặp rủi ro trong lần bầu cử này.

Về phần mình, Hàn Quốc cũng cam kết sẽ đẩy mạnh đàm phán với Mỹ nhằm đạt một kết quả đôi bên cùng có lợi.

Ấn Độ có vẻ đã gần đạt được thỏa thuận với Mỹ, nhưng triển vọng vẫn chưa rõ ràng đối với các đối tác nhỏ hơn như Nam Phi, Thái Lan và Malaysia - ba nước phải đối mặt với mức thuế lần lượt là 30%, 36% và 25%.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bày tỏ quan điểm phản đối mức thuế 30% mà ông Trump áp lên nước này, cho rằng mức thuế như vậy là không cân xứng với mức thuế quan trung bình 7,6% của Nam Phi. Nhưng ông đã chỉ thị cho các nhà đàm phán của mình “khẩn trương hợp tác” với Mỹ về một thỏa thuận khung do phía Nam Phi đệ xuất lần đầu tiên vào ngày 20/5.

Thời gian đàm phán của chính quyền Trump có thể bị dồn vào các đối tác thương mại lớn hơn, chẳng hạn như EU. Khối này hiện chưa nhận được thư thông báo thuế đối ứng mới từ ông Trump, và mức cũ đối với hàng châu Âu là 20% theo công bố lần đầu vào ngày 2/4.

Nguồn thạo tin về các cuộc đàm phán của EU nói với Reuters rằng một thỏa thuận có thể bao gồm các nhượng bộ thuế quan của Mỹ dành cho máy bay và phụ tùng, thiết bị y tế và rượu mạnh từ châu Âu. Nguồn tin cho biết EU cũng muốn một số nhà sản xuất ô tô nhất định của khu vực được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với mức thuế thấp hơn 25%. Một thỏa thuận như vậy sẽ tương tự như một thỏa thuận khung mà Mỹ đạt được với Anh - thỏa thuận có các khoản miễn trừ cho ô tô, thép và động cơ máy bay.

Theo ông Ryan Majerus, một cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, nhận định rằng ông Trump đang tìm cách tối đa hóa đòn bẩy đàm phán của mình. Việc thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục và các chỉ số kinh tế Mỹ vẫn ổn đang mang lại dư địa để ông Trump gây áp lực đàm phán lên các đối tác, nhưng thời gian không còn nhiều - ông Majerus nhận xét.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate