November 16, 2018 | 00:11 GMT+7

“Đau đầu” với hàng triệu tấn tro xỉ của nhiệt điện Vĩnh Tân

Bạch Dương

Ban Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân tính đến năm 2017 được giao quản lý số vốn đầu tư lên tới 104.900 tỷ đồng

Lượng tro xỉ của các nhà máy trong Nhiệt điện Vĩnh Tân là rất lớn.
Lượng tro xỉ của các nhà máy trong Nhiệt điện Vĩnh Tân là rất lớn.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, khi các nhà máy này đi vào hoạt động thì lượng tro xỉ phát sinh theo thiết kế là khoảng 3,8 triệu tấn/năm. Trong đó, ba nhà máy là Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng dùng chung bãi chứa tro, xỉ có diện tích hơn 38 ha; chứa khoảng 9,3 triệu m3. Hiện nay bãi đã chứa khoảng 4,5 triệu m3 và dự kiến đầy trong khoảng hơn 2 năm nữa.

Bộ Công Thương thừa nhận vị trí bãi tro, xỉ nằm gần đường quốc lộ, chịu tác động bởi gió biển cường độ mạnh và sử dụng phương án thải tro, xỉ khô bằng phương tiện ôtô nên tiềm ẩn rủi ro phát tán bụi, tiếng ồn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ tro, xỉ.

"Tro xỉ phát sinh nhiều nhất từ Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Nguyên nhân là do hai nhà máy này sử dụng than antraxit với lượng tro, xỉ chiếm tới 30-37% tổng lượng than. Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 đã được Thủ tướng cho phép giữ thời gian lưu tro xỉ dài hạn. Còn Vĩnh Tân 2 đang chịu áp lực lớn về xử lý tro, xỉ do không tiêu thụ được tro, xỉ", văn bản của Bộ Công Thương viết. 

Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng tiêu thụ tro, xỉ với Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh trong cả đời dự án để sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, Công ty Mãi Xanh mới lắp đặt được 3/28 dây chuyền sản xuất gạch không nung và tiêu thụ tro, xỉ khoảng 450 tấn/ngày. Trong khi đó, nhà máy Vĩnh Tân 2 phát sinh tro, xỉ khoảng 4.500 tấn/ngày. Vì vậy khó có khả năng thực hiện được cam kết tiêu thụ hết tro, xỉ do khó khăn về tài chính, công nghệ và sản phẩm gạch không nung khó cạnh tranh về giá.

Từ đầu tháng 9/2018, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng và tiêu thụ được khoảng 100 nghìn tấn tro, xỉ với 7 công ty khác. Nhà máy này còn lập dự án đầu tư hệ thống đường ống xuất tro bay qua cảng và làm việc với nhiều đối tác dể tiêu thụ tro, xỉ phát sinh.

Do đó, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang chịu áp lực lớn nhất trong việc xử lý tro, xỉ do tro, xỉ không tiêu thụ được và bãi tro, xỉ đã chứa 4,5 triệu tấn.

Lý do tiêu thụ chậm là tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có chất lượng rất thấp, tỷ lệ các bon chưa cháy hết còn lại trong tro cao (tới 15%) nên không sử dụng trực tiếp làm phụ gia bê tông.

Mặt khác khu vực miền Trung, thị trường tiêu thụ gạch không nung ít, không có thói quen dùng gạch không nung. Nhà máy nằm xa nơi tiêu thụ nên giá thành vận chuyển cao.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp do Bộ Xây dựng soạn thảo vẫn chưa được ban hành, dẫn đến việc khó khăn trong tiêu thụ tro, xỉ. Còn Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 lượng phát sinh tro xỉ không nhiều nhưng nhà máy cũng đã ký hợp đồng với các công ty để tiêu thụ khoảng 30.000 tấn tro, xỉ.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân gồm 5 dự án nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) với tổng công suất 6/264 MW. Trong đó Vĩnh Tân 2 do Tổng công ty Phát điện 3  và Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Còn nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 của nhà đầu tư Trung Quốc đã vận hành thử nghiệm tổ máy 1 và tổ máy 2, dự kiến phát điện thương mại từ tháng 9/2018.

Hai nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng. Đó là Vĩnh Tân 4 mở rộng (dự kiến đi vào vận hành chính thức từ tháng 12/2019) và Vĩnh Tân 3 (đang thực hiện các thủ tục đầu tư).

Khi mới thành lập năm 2008, Ban Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân được giao quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với tổng vốn đầu tư xây dựng là 32.200 tỷ đồng thì đến năm 2017 con số tương ứng đã là 104.900 tỷ đồng. Lượng vốn đầu tư năm 2017 tăng thêm gấp 3,25 lần so với năm 2008.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate