March 15, 2022 | 15:05 GMT+7

Đấu thầu trái phiếu Chính phủ lại ế ẩm

Kho bạc Nhà nước chưa thực sự gặp áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ trong khi các thành viên tham gia thị trường lại kỳ vọng vào một đợt tăng lợi suất mới...

Giới phân tích nhận định sang quý 2/2022, cầu vốn tăng mạnh sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất so với hiện tại
Giới phân tích nhận định sang quý 2/2022, cầu vốn tăng mạnh sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất so với hiện tại

Tuần trước, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng không thành viên nào đấu thầu thành công. Giới phân tích trên thị trường cho rằng, diễn biến này xuất phát từ cả hai phía cung và cầu.

Theo đó, ở phía cầu, với bối cảnh lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị càng hiện hữu, các thành viên tham gia thị trường đều kỳ vọng vào một đợt tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ.

Điều này thể hiện rõ nhất ở việc vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất – cao nhất đồng loạt tăng so với phiên trước đó, với mức tăng phổ biến từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm.

Hiện tại, đã xuất hiện sự chênh lệch tương đối lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ trên 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Đấu thầu trái phiếu Chính phủ lại ế ẩm - Ảnh 1

Trong đó, mặc dù đã hạ nhiệt so với thời điểm cách đây 1 tuần, nhưng lợi suất trái phiếu thứ cấp vẫn ở vùng cao. Cụ thể,  1 năm 1,35%; 3 năm 1,46%; 5 năm 1,52%; 10 năm 2,27%; 15 năm 2,61%; 20 năm 2,90% và 30 năm 3,04%.

Trái lại, lợi suất trái phiếu Chính phủ sơ cấp vẫn đi ngang. Kỳ hạn 10 năm khoảng 2,15%; 15 năm 2,45% và 30 năm 3%.

Ở phía cung, Kho bạc Nhà nước chưa thực sự gặp áp lực phát hành do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn tương đối thấp trong 2 tháng đầu năm (chỉ đạt khoảng 8,6% kế hoạch của Chính phủ).

Thêm vào đó, thu ngân sách đang có dấu hiệu tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sau 2 tháng đầu năm 2022, Ngân sách Nhà nước đang bội thu khoảng 95,6 nghìn tỷ đồng.

Quay lại với diễn biến tuần trước nhưng ở thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước bơm 1.019 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh cầm cố (OMO), trong khi đó có 968 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn (hút về).

 

Theo nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, tình trạng ế ẩm trái phiếu Chính phủ trên sơ cấp sẽ sớm chấm dứt. Bởi lẽ, lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2022 tập trung vào giai đoạn 6 tháng đầu năm, do vậy áp lực phát hành của Kho bạc Nhà nước sẽ dần tăng.

Như vậy, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 51 tỷ đồng. Cùng với lượng tín phiếu chưa được đáo hạn, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố được nâng lên gần 1,7 nghìn tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,25% (giảm 0,12 điểm phần trăm) và kỳ hạn 1 tuần 2,38% (giảm 0,01 điểm phần trăm). Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42% đến 2,61%.

Đấu thầu trái phiếu Chính phủ lại ế ẩm - Ảnh 2

Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/2 đạt 2,52% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1,82% được Chính phủ công bố trong cuộc họp thường kỳ tháng 2 trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay, tương đương giảm 23 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố số liệu tăng trưởng huy động tính đến 25/2, với mức tăng 1,29% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 11,1% so với cùng kỳ). Nhìn chung, tăng trưởng huy động vốn đã cải thiện so với giai đoạn nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa hồi phục về mức tăng trưởng trước dịch, phản ánh môi trường lãi suất thấp đã và đang được duy trì trong 2 năm trở lại đây.

Giới phân tích nhìn nhận, kỳ vọng huy động vốn có thể tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng của lãi suất huy động có khả năng thu hút lượng tiền gửi lớn hơn.

Thực tế cho thấy, trong tuần trước, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn (MBB và TCB), với mức tăng 0,20 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trên 6 tháng.

Theo nhận định của nhóm phân tích một công ty chứng khoán, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate