Ngày 25/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".
KHÔNG SỬ DỤNG TỚI NGUỒN 46.000 TỶ ĐỒNG DO KIỂM SOÁT TỐT DỊCH
Báo cáo đã đánh giá kết quả thực hiện các chính sách cụ thể, trong đó có việc đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo danh mục và mức vốn là 13.491 tỷ đồng cho 145 dự án thuộc lĩnh vực y tế của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu tham gia chương trình, 15 viện, bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trực tiếp tham gia phòng chống dịch để phục hồi sau đại dịch.
Đến thời điểm báo cáo ngày 31/1/2024, tổng số giải ngân của các dự án thuộc lĩnh vực y tế là 6.503 tỷ đồng, đạt 48% so với tổng mức vốn bố trí theo Nghị quyết số 43.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu, theo báo cáo của Bộ Y tế, triển khai Nghị quyết số 43, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương huy động nguồn viện trợ, tài trợ (ngoài ngân sách nhà nước) về vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị khoảng 42,667 nghìn tỷ đồng.
Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Vì vậy, Bộ Y tế không có phương án sử dụng nguồn kinh phí 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 43.
Việc kiểm soát dịch bệnh tốt và huy động các nguồn viện trợ, tài trợ vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến không phải sử dụng nguồn vốn này là kết quả tích cực, tiết giảm nguồn phải huy động bổ sung để thực hiện Chương trình.
Về các nhiệm vụ, giải pháp, Đoàn giám sát nêu lên một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư nêu tại báo cáo giám sát.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật.
QUAN TÂM ĐẦU TƯ CHO Y TẾ CƠ SỞ
Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm đề xuất đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh nêu rõ với những kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện, cho thấy việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả quan trọng đạt được, còn một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra đã được báo cáo giám sát chỉ ra.
Về đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế, đại biểu chỉ rõ, tổng mức vốn bố trí là 14 nghìn tỷ đồng với 145 dự án thuộc lĩnh vực y tế, đến thời điểm hiện nay, tổng số giải ngân của các dự án đạt 48% so với tổng mức vốn bố trí theo Nghị quyết số 43.
Đến thời điểm giám sát còn nhiều dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên khả năng sẽ hoàn thành trước 31/12/2024, nhất là các gói thầu mua sắm trang thiết bị. Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực triển khai phần việc còn lại.
"Hiện nay còn rất nhiều trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Lai Châu được đầu tư kiên cố từ lâu. Đến nay đã quá tải hoặc xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nguồn kinh phí địa phương không thể đáp ứng được. Việc thực hiện các dự án theo Nghị quyết 43 sẽ kết thúc trong năm nay", đại biểu đoàn Lai Châu dẫn chứng.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả và sớm đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030 để có giải pháp trong thời gian tới.
Cũng quan tâm đến lĩnh vực y tế ở các địa phương sau đại dịch Covid-19, Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nhấn mạnh việc đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở là hết sức cần thiết.
"Đầu tư cho các tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện… được cử tri và địa phương hết sức ủng hộ và tích cực thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải rà soát, đề xuất lại danh mục nên mất rất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, dẫn đến phân bổ vốn của chương trình chậm", đại biểu Lý Tiết Hạnh thông tin.
Đơn cử tại tỉnh Bình Định, trong thời gian qua, tỉnh đã liên tục kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ vốn để bổ sung phần vốn còn lại của dự án đầu tư, xây dựng, mở rộng, nâng cấp đối với 5 Trung tâm y tế huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
"Như vậy, nguyên nhân do đâu và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Đây là những yêu cầu rất cụ thể mà qua giám sát phải có câu trả lời. Tránh trường hợp đề ra chính sách rồi không thực hiện sẽ dẫn đến không chỉ là lãng phí nguồn lực, mà còn mất niềm tin của người dân", đại biểu đoàn Bình Định nêu ý kiến.