Theo đó, phạm vi lập Chương trình bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu của Chương trình nhằm phát triển đô thị Thanh Hóa (bao gồm thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn), hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I.
Cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị cần đạt được cho từng giai đoạn hàng năm, 5 năm phù hợp quy hoạch chung đô thị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
NHẬP HUYỆN ĐÔNG SƠN VÀO THÀNH PHỐ THANH HÓA
Về phát triển địa giới hành chính, trước năm 2025 sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, mở rộng khu vực nội thành, thành lập thêm 7 phường mới trên cơ sở nguyên trạng các xã, thị trấn, cụ thể: Khu vực nội thành gồm 30 phường hiện nay của thành phố Thanh Hóa và thành lập thêm 7 phường mới, gồm Hoằng Quang, Hoằng Đại, Rừng Thông, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn trên cơ sở nguyên trạng địa giới hành chính các xã, thị trấn.
Khu vực ngoại thành gồm 11 xã, Thiệu Vân, Đông Vinh, Đông Thanh, Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Minh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Phú, Đông Quang, Đông Nam. Đến năm 2030 và giai đoạn 2040 tiếp tục triển khai xây dựng mở rộng khu vực nội thành, triển khai rà soát, đánh giá các khu vực có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để thành lập phường thuộc thành phố.
Đối với chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị gồm đường vành đai 2,5 phía Tây, huyện Đông Sơn dài 21 km; đường giao thông từ xã Đông Ninh huyện Đông Sơn đi xã Thiệu Trung huyện Thiệu Hóa dài khoảng 4,1 km; đường từ xã Đông Nam đến đường vành đai phía Tây tại xã Đông Quang dài khoảng 4,1 km...
Đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 2 dài khoảng 15,5 km; đại lộ Bắc Sông Mã từ QL1A đến đường bộ ven biển dài 14 km; xây dựng mới khoảng 105,67 km đường chính trên địa bàn toàn đô thị theo quy hoạch chung đô thị được phê duyệt.
XÂY DỰNG 12 KHU VỰC ĐÔ THỊ CÓ CHỨC NĂNG RIÊNG BIỆT
Trong Quyết định này cũng đề ra các chương trình, kế hoạch phát triển các khu vực được xác định theo quy hoạch đô thị và lộ trình triển khai thực hiện.
Khu vực 1: Diện tích 1.035 ha, gồm các phường: Đông Thọ, Điện Biên, Trường Thi, Lam Sơn, Ba Đình, Ngọc Trạo, Tân Sơn, một phần phường Đông Vệ (phía Bắcsông Nhà Lê). Chức năng: Là lõi trung tâm thành phố hiện hữu gắn với trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa hiện nay của tỉnh.
Khu vực 2: Diện tích 1.275 ha, gồm các phường: Nam Ngạn, Đông Hương, Đông Hải. Chức năng: Là khu vực đô thị mới phía Đông lõi trung tâm hiện hữu,gắn với trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, thể thao và dịch vụ thương mạicủa thành phố. Hình thành khu vực hấp dẫn gồm các trung tâm thương mại, khuvui chơi giải trí và các khu đô thị mới chất lượng cao dọc Đại lộ Lê Lợi, Đại lộNguyễn Hoàng, Nam sông Mã gắn với cảnh quan ven sông Mã.
Khu vực 3: Diện tích 1.427 ha, gồm các phường: Đông Sơn, Quảng Thịnh, một phần phường Đông Vệ (phía Nam sông Nhà Lê), một phần phường Quảng Thành(phía Tây đại lộ Hùng Vương). Chức năng: Là khu vực đô thị đang phát triển phía Đông Nam lõi trung tâm hiện hữu gắn với trung tâm y tế, giáo dục hiện có của tỉnh.
Hình thành không gian trung tâm mới phía Nam kết hợp cải tạo chỉnh trang dân cư hiện có và các không gian hỗn hợp với các hạt nhân là các trường đại học, bệnh viện hiện có; các công trình dịch vụ hai bên Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Quang Trung, đường CSEPD, đại lộ Hùng Vương.
Khu vực 4: Diện tích 1.633 ha, gồm các phường: An Hưng, Quảng Thắng, Đông Tân, Phú Sơn. Chức năng: Là khu dân cư và vùng cảnh quan phía Tây Nam lõi trung tâm hiện hữu. Tổ chức không gian khu ở sinh thái giữa vùng cảnh quan được tạo bởi cụm núi Mật Sơn, Núi Nhồi, Núi Vức và sông Nhà Lê.
Hoàn nguyên môi trường khu vực mỏ đá sau khai thác thành các khu cây xanh, dịch vụ, vui chơi giải trí và du lịch gắn với Khu Di tích danh thắng Núi Nhồi và hệ thống sôngNhà Lê, kênh Bắc.
Khu vực 5: Diện tích 1.959 ha, gồm các phường: Hàm Rồng, Đông Cương, Đông Lĩnh. Chức năng: Là khu vực bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên, phát triển đô thị mật độ thấp gắn với du lịch sinh thái, dulịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao. Tổ chức không gian du lịch với hạt nhân là Khu di tích danh thắng Hàm Rồng và khu hỗ trợ gồm trung tâm nghiên cứu, giới thiệu và trưng bày khảo cổ, khu khách sạn, nhà hàng tại phường Đông Cương.
Khu vực 6: Diện tích 1.473 ha, gồm các phường: Thiệu Dương, Thiệu Khánh, xã Thiệu Vân. Chức năng: Là khu vực đô thị sinh thái ven sông Mã nằm giữa núi Đọ và núi Hàm Rồng. Bố trí các khu nhà ở dạng sinh thái kết hợp với các làng xóm ven đê khu vực Thiệu Dương, Thiệu Khánh và dọc kênh tiêu Vân Khánh. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ núi Đọ, di tích đền thờ Dương Đình Nghệ, Chùa Vồm và các công trình văn hóa, tín ngưỡng trong khu vực.
Duy trì cảnh quan ven sông Mã và cảnh quan nông nghiệp của khu vực và hình thành các công viên ven sông Mã với các chủ đề về vườn thực cảnh, khảo cổ và danh nhân văn hóa lịch sử.
Khu vực 7: Diện tích 2.237 ha, gồm các phường: Tào Xuyên, Long Anh và các xã Hoằng Quang, Hoằng Đại. Chức năng: Là khu vực phát triển đô thị mới, xanh, thông minh, hiện đại gắn với dịch vụ thương mại cấp đô thị và là khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ theo hướng đô thị thông minh tại cửa ngõ phía Đông Bắc. Tổ chức trục cảnh quan Bắc sông Mã, tạo lập hình ảnh đô thị sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên ven bờ sông Mã với điểm nhấn tại khu vực cửa ngõ phía Bắc cầu Nguyệt Viên.
Khu vực 8: Diện tích 3.338 ha, gồm các phường: Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Đông, Quảng Cát và một phần phường Quảng Thành (phía Đông đại lộ Hùng Vương). Chức năng: Là khu vực phát triển đô thị mới về phía Đông Nam kết nối với thành phố Sầm Sơn. Phát triển các công trình dịch vụ thương mại cấp đô thị dọc QL47, đại lộ Nam sông Mã, đại lộ Hùng Vương, đại lộ Võ Nguyên Giáp và các tuyến Vành đai số 2 phía Đông, đường Quốc lộ 10; Khu cảng Lễ Môn và bến thủy tổng hợp Quảng Hưng; Phát triển dịch vụ giáo dục đào tạo, dịch vụ kỹ thuật...
Khu vực 9: Diện tích 1.693 ha, gồm: thị trấn huyện lỵ Đông Sơn và xã Đông Tiến, Đông Thanh.Chức năng: Là khu vực đô thị mở rộng gắn với thị trấn Rừng Thônghiện nay. Cải tạo chỉnh trang dân cư hiện có và phát triển dân cư mới kết hợp với các công trình hỗn hợp dịch vụ tại các khu vực 2 bên QL45, QL47. Bảo vệ cảnh quan sinh thái, bảo tồn và khai thác di tích thắng cảnh Rừng Thông.
Khu vực 10: Diện tích 2.419 ha, gồm các xã: Đông Khê, Đông Minh, Đông Ninh, Đông Hoàng, Đông Hòa.Chức năng: Phát triển đô thị sinh thái gắn với dịch vụ vận tải đầu mối, kho tàng xung quanh nút giao Đông Xuân; phát triển vùng sinh thái và du lịch trải nghiệm nông nghiệp phía Tây huyện Đông Sơn.
Khu vực 11: Diện tích 2.214 ha, gồm các xã: Đông Thịnh, Đông Yên, Đông Văn, Đông Phú. Chức năng: Là khu vực phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ phía Tây thành phố Thanh Hóa. Bố trí khu đô thị dịch vụ thương mại, nhà ở và khu công nghiệp phía Tây gắn với trục phát triển từ thành phố đi Cảng hàng không Thọ Xuân.
Khu vực 12: Diện tích 2.118 ha, gồm các xã: Đông Nam, Đông Quang, Đông Vinh. Chức năng: Là khu vực đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Tổ chức các khu đô thị sinh thái kết hợp trang trại hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị du lịch nghỉ dưỡng gắnvới khu di tích lịch sử Hoàng Nghiêu; bố trí quỹ đất dự trữ để xây dựng Khu đôthị dịch vụ y tế chất lượng cao. Tổ chức bảo vệ môi trường và khai thác cảnhquan dọc sông Mơ, sông Nhà Lê, kênh Trường Tuế và các kênh tưới, tiêu lớntrong khu vực; bố trí các hồ chứa nước và các vùng giữ nước để tránh ngập úngtrong quá trình đô thị hóa.
XÂY DỰNG CÔNG VIÊN VĂN HÓA XỨ THANH 31 HA, PHÁT TRIỂN THÀNH ĐÔ THỊ ĐÁNG SỐNG
Xây dựng công viên văn hóa Xứ Thanh diện tích 31,5 ha; xây dựng công viên phía Đông Nam thành phố diện tích 70 ha.
Chương trình cũng đề ra mục tiêu quy hoạch chi tiết định hướng một số khu vực đô thị, khu chức năng đô thị, khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Đồng thời, huy động, thu hút, kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện hiệu quả từng bước quy hoạch các dự án khu đô thị, khu chức năng đô thị theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, triển khai thiết kế và xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh và có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư triển khai các dự án theo mô hình này.
Phát triển bền vững với tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp; cơ bản hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, lãnh thổ trong cả nước và quốc tế; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, bền vững về môi trường sinh thái; quốc phòng an ninh được bảo đảm. Biến đô thi Thanh Hóa thành thành phố đáng sống.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tới cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp theo hướng hình thành trên cơ sở công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn cùng với sự phát triển mạnh của khu vực dịch vụ với các ngành lĩnh vực dịch vụ tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đặc biệt là dịch vụ thương mại, du lịch. Mở rộng, phát triển các loại hình công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị lớn. Hoàn thiện khu Trung tâm tiếp vận, kho tàng, bến bãi (Logistic), đô thị nhà ở xã hội phục vụ công nhân.
Bên cạnh đó, xác định nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kết quả dự kiến theo khung thời gian hàng năm, 05 năm và 10 năm. Theo đó, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư khoảng 158.831,57 tỷ đồng, trong đó đến năm 2025 là 40.892,57 tỷ đồng; giai đoạn từ năm 2026 - 2030 là 51.636,5 tỷ đồng; giai đoạn từ năm 2031 - 2040 là 66.302,5 tỷ đồng.