Tại hội thảo: "Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị Cà phê Sơn La" do tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, tại Sơn La, các đại biểu cho rằng cần tăng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; mở rộng diện tích trồng cà phê arabica ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.
SƠN LA DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC VỀ CÀ PHÊ ARABICA
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Lò Minh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Từ những năm 1990 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển cây cà phê.
Nhờ vậy, diện tích cà phê tăng qua từng năm, những năm 1990 với trên 278 ha, đến nay tỉnh có trên 20.000 ha cây cà phê Arabica (chiếm 41,2% diện tích Cà phê Arabica của cả nước. Tỉnh Sơn La đã công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039 ha, 1.560 hộ gia đình tham gia. Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; có 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Giá trị sản xuất cà phê của tỉnh Sơn La năm 2022 đạt 857 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hùng cho rằng sản xuất cà phê vẫn còn một số tồn tại như: sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết; chuỗi giá trị sản phẩm cà phê chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; còn nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…
Để khắc phục những hạn chế này, ông Lò Minh Hùng đề nghị các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cây cà phê. Từ đó đề ra các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu cà phê ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong sản xuất, quy trình thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất cà phê có Chứng nhận bền vững.
"Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn; thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha; hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao; xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ…"
Theo Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay cả nước có 710,6 nghìn ha cà phê, cho sản lượng hơn 1,85 triệu tấn năm 2022. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê của cả nước, chủ yếu tập trung trồng cà phê Robusta (cà phê vối). Cây cà phê Arabica (cà phê chè) chủ yếu trồng ở khu vực phía Bắc (Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị.
Đến nay, Việt Nam xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia. Trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, mang lại kim ngạch trên 4,05 tỷ USD. Đức, Italia và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là: 11.6%. 7,8% và 7,2%.
Các đại biểu và tham luận tại hội thảo cho rằng, để phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La cần tăng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; mở rộng diện tích trồng cà phê arabica ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến và quản lý, phát triển nhãn hiệu mang địa danh, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê đặc sản; thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
CHẾ BIẾN SÂU LÀ GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG ĐỂ NÂNG CAO GIÁ TRỊ CÀ PHÊ
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cho biết với quy định của EU về sản xuất không phá rừng sẽ là thách thức với sản xuất nông nghiệp của Sơn La nói chung và sản xuất cà phê nói riêng.
“Quy định của EU đặt ra với ngành sản xuất cà phê cần chú trọng thâm canh, tăng năng suất trên diện tích cây cà phê hiện có để nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chí cà phê không phá rừng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trên 90% diện tích cà phê Sơn La đã đáp ứng, đó là sau năm 2020 không trồng cà phê vào diện tích cây lâm nghiệp”, bà Phong thông tin.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn về liên kết sản xuất và bất lợi về môi trường, ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng tiềm năng cà phê Arabica của Sơn La còn lớn, nhưng cũng còn nhiều bất lợi. Khi phát triển sau này, Sơn La cần cố gắng duy trì chất lượng, chế biến sâu hơn.
“Hiện nay cà phê Sơn La đang sản xuất ở quy mô nông hộ, cần sắp xếp, tạo nên các liên kết, mà ở đó chìa khoá của sự bền vững của cà phê Sơn La xuất phát từ cộng đồng. Với thách thức trong chế biến với Arabica là về môi trường, đặc biệt với Sơn La thách thức về sương muối, việc phát triển cây che bóng tầng cao là cần thiết, bù lại về mặt lâu dài có thể tạo được nguồn thu”, ông Tuấn khuyến nghị.
Theo ông Vũ Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, chế biến sâu cà phê arabica bền vững là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của cà phê arabica Sơn La với thị trường thế giới. Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, tỉnh cần có sự tích hợp đồng bộ các giải pháp trong chuỗi trồng - chế biến - tiêu thụ cà phê. Với sự quan tâm, đầu tư của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, Sơn La có thể trở thành một trung tâm sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khó của thế giới.
Ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chia sẻ: kinh nghiệm từ quốc tế hiện nay có nhiều nước xây dựng thương hiệu cà phê gắn với thế mạnh địa phương, đặc biệt là du lịch. Sơn La có lợi thế tiềm năng du lịch, việc xây dựng thương hiệu cà phê gắn với du lịch sẽ giúp tăng khả năng thu hút khách, từ đó sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu tại chỗ, trực tiếp ra nước ngoài của cà phê Arabica Sơn La.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thành Công -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, trên cơ sở hội thảo phát triển cà phê bền vững, tỉnh sẽ đánh giá toàn diện vùng trồng cà phê, đánh giá quy trình trồng, quy trình sản xuất, canh tác, thu mua, thu hái và chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, ông Công đề nghị: Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho tỉnh Sơn La về định hướng, giải pháp phát triển Cà phê bền vững; hướng dẫn thực hiện quy định, về xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu (EU) để đảm bảo điều kiện cho xuất khẩu Cà phê. Các đơn vị thuộc Bộ Công thương tiếp tục đồng hành và hỗ trợ tỉnh Sơn La trong quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê Sơn La.
Bên cạnh đó, đề nghị các chuyên gia, các nhà nghiên cứu quan tâm hỗ trợ cho tỉnh các giải pháp về giống mới, quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao… để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê cần tiếp tục đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững ngành cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La.