December 02, 2024 | 16:44 GMT+7

Đầu tư nghiêm túc, xây dựng nhà máy lắp ráp: Xe Trung Quốc sẽ chinh phục được khách Việt?

Hoàng Lâm

Hiện nhiều hãng xe Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay. Trong lần trở lại Việt Nam này, chiến lược của các hãng ô tô Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Đáng chú ý đã có hai xu hướng khác nhau, một hướng chỉ nhập khẩu và bán, một hướng khác đầu tư nhà máy bài bản.

Đầu tư nghiêm túc, xây dựng nhà máy lắp ráp: Xe Trung Quốc sẽ chinh phục được khách Việt? - Ảnh 1

Trong 3 thị trường châu Á cung cấp ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất là Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng trong thời gian gần đây, làn sóng Trung Quốc đang bắt đầu lấn lướt hơn so với thị trường lớn như Thái Lan.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xe nhập khẩu Trung Quốc về Việt Nam trong 10 tháng qua đã có doanh số tới 24.613 xe và đạt kim ngạch gần 733 triệu USD, tương đương chiếm đến 17% tổng số lượng và 24% tổng giá trị nhập khẩu ô tô về Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2023, xe nhập Trung Quốc chỉ đạt 8.495 xe, kim ngạch gần 319 triệu USD. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2024, lượng ô tô nhập khẩu Trung Quốc là 2.617 xe, trị giá 78,6 triệu USD. So với tháng 9 liền trước đó (nhập khẩu 2.348 chiếc, kim ngạch 73 triệu USD), lượng xe Trung Quốc tháng 10 nhập khẩu tăng 11% về lượng.

Trước làn sóng xe ô tô Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành có nguyên nhân chủ yếu do gặp bất ổn về thuế quan trên thị trường quốc tế dẫn đến sản lượng sản xuất của xe xuất xứ từ Trung Quốc đang quá dư thừa, trong khi nhu cầu tiêu dùng ô tô của thị trường Việt Nam chưa đủ lớn.

Đáng chú ý, lượng ô tô Trung Quốc được nhập về Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp tại Việt Nam đứng ra nhập khẩu và phân phối. Khi nhập khẩu nguyên chiếc 100% đi kèm với hệ thống bảo dưỡng vẫn chưa đồng bộ, tạo nên tâm lý e ngại của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách công bằng, sự xuất hiện của các đối thủ đến từ Trung Quốc tại thị trường vốn đã quá quen thuộc với những cái tên từ Nhật, Hàn, Mỹ, đã đem lại những tác động tích cực tới bối cảnh chung của toàn thị trường. Người tiêu dùng trong nước có rất nhiều lựa chọn và đa dạng về tầm giá.

Trong những thương hiệu ô tô Trung Quốc có mặt tại Việt Nam hiện tại, có một điểm khác biệt so với những lần trước đó là xu hướng các hãng xe Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư bài bản để hưởng chính sách ưu đãi từ Việt Nam nhằm hạ giá bán.

Chery có lẽ là hãng xe Trung Quốc đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường. Hãng này mới đây đã thông báo liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery quốc tế sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo được xây dựng tại KCN Hưng Phú, tỉnh Thái Bình vào năm 2025.

KCN Hưng Phú là địa điểm có Dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Hưng Phú do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú - một thành viên thuộc Tập đoàn Geleximco được triển khai tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Vào tháng 11/2023, Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery đã công bố việc ký Hợp đồng nguyên tắc xây dựng nhà máy ô tô tại Thái Bình để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda và Jaecoo có công suất lên tới 200.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư là 800 triệu USD. Nhà máy được khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào quý II/2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý III/2025. Ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025.

Omoda & Jaecoo dự kiến mang đến thị trường Việt Nam đầy đủ các dòng xe, bao gồm xe động cơ đốt trong, xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe điện (EV). Tất cả các sản phẩm đều được ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất từ Exceed - thương hiệu xe hạng sang của tập đoàn Chery, cùng với những tinh hoa được kế thừa từ liên doanh với Jaguar Land Rover (JLR).

Phối cảnh nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo được xây dựng tại KCN Hưng Phú, tỉnh Thái Bình vào năm 2025. 
Phối cảnh nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo được xây dựng tại KCN Hưng Phú, tỉnh Thái Bình vào năm 2025. 

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết việc phối hợp với tập đoàn Chery sẽ biến Việt Nam thành thủ phủ sản xuất xe của Chery trong khu vực với công suất lên đến 200.000 xe/năm.

Mới đây, mẫu Omoda C5 đầu tiên cũng đã được chính thức giới thiệu tại thị trường Việt. Theo công bố từ Omoda&Jaecoo Việt Nam, Omoda C5 sau khi ra mắt sẽ được áp dụng chính sách bảo hành mới bao gồm hệ truyền động trong vòng 7 năm hoặc 1.000.000 km, bảo hành động cơ trong vòng 10 năm hoặc 1.000.000 km (tùy điều kiện nào đến trước). Đây là mức bảo hành hiếm hoi tại thị trường xe Việt cho thấy hãng sản xuất này rất tự tin sau thời gian dài thăm dò thị trường Việt.

Sau khi ra mắt mẫu Omoda C5, thời gian tới liên doanh của Geleximco và Chery sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo ô tô tại Thái Bình với việc chuyển giao công nghệ từ Chery. Nhà máy tại Thái Bình sẽ hướng tới việc không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu ra các thị trường khác trong khu vực và thế giới.

Đáng chú ý, bên cạnh Malaysia, Việt Nam đang được Tập đoàn Chery chọn là hai điểm đến tại khu vực Đông Nam Á trong việc xây dựng chuỗi nhà máy toàn cầu. Đặc biệt, Chery xác định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất ô tô chủ lực của khu vực Đông Nam Á. Dự án khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ tạo ra hơn 10.000 việc làm, không chỉ là lao động giản đơn mà cả lao động có trình độ cao sử dụng được công nghệ hiện đại.

Mẫu Omoda C5 mới được giới thiệu tới thị trường Việt.  
Mẫu Omoda C5 mới được giới thiệu tới thị trường Việt.  

Trước đó là liên doanh GM – (SAIC – WULING) hợp tác với TMT Motor để lắp ráp mẫu Wuling HongGuang MiniEV trong nước. Hongguang Mini EV hiện còn được miễn 100% lệ phí trước bạ theo chính sách hỗ trợ xe điện của Nhà nước.

Gần nhất, Công ty cổ phần Tasco và Geely Auto Group đã ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam, cũng như ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược 3 bên với BQL Khu Kinh tế và các khu CN tỉnh Thái Bình.

Việc liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô giữa Tasco và Geely là một dự án CKD (Completely Knocked Down: lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha, phục vụ cho nhu cầu trong nước và đặc biệt là xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%.

Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.

Hiện các hãng xe đến từ Trung Quốc đang phải chịu áp lực về thuế nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam. Tùy theo mẫu mã, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 49%. Trong khi các đối thủ đến từ các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan đang được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Do đó, nếu tính toán lâu dài thì rõ ràng việc đầu tư bài bản và có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn cho các nhà sản xuất Trung Quốc khi vừa hạ được giá thành, nhận ưu đãi và quan trọng hơn cả là lấy được lòng tin của người tiêu dùng Việt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate