April 16, 2025 | 20:39 GMT+7

Đầu tư vào đổi mới, sáng tạo để “chim sẻ” lớn nhanh thành “đại bàng”

Vũ Khuê -

Vinfast có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu vào top nhanh nhất thế giới, 142% tăng trưởng giá trị vào 2023. Vinamilk - thương hiệu sữa số 1 tại Việt Nam hiện nay, là thương hiệu sữa số 6 trên thế giới… Vị thế các thương hiệu quốc gia Việt Nam có được nhờ sự bứt phá trong đổi mới, sáng tạo...

Vinfast là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu vào top nhanh nhất thế giới, 142% tăng trưởng giá trị vào 2023.
Vinfast là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu vào top nhanh nhất thế giới, 142% tăng trưởng giá trị vào 2023.

Chia sẻ tại lễ Khởi động Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025, ngày 16/4, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho rằng đổi mới sáng tạo rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với doanh nghiệp thương hiệu quốc gia.

GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM XẾP HẠNG 32/193 QUỐC GIA

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập. Trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.

Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia được đánh giá, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.

“Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà chúng ta đã kiên định theo đuổi”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Từ kết quả này, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh diễn đàn năm nay với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” tiếp tục khẳng định tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng thương hiệu quốc gia thời kỳ mới.

“Đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh – sạch – thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai, là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất ở cấp quốc gia.

Đầu tư vào đổi mới, sáng tạo để “chim sẻ” lớn nhanh thành “đại bàng” - Ảnh 1

Với các giá trị cốt lõi: Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong, Chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.

THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA TIÊN PHONG TRONG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Nói về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh: "Đổi mới, sáng tạo là một trong 3 trụ cột chính của Chương trình Thương hiệu quốc gia, là yếu tố then chốt để tạo dựng thương hiệu mạnh và khác biệt trên thị trường toàn cầu".

Doanh nghiệp muốn tiên phong trên thị trường tất yếu phải dựa trên nền tảng sáng tạo, đổi mới. Doanh nghiệp muốn duy trì chất lượng vượt trội cũng cần liên tục đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm để nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng.

Về đầu tư cho đổi mới sáng tạo, theo báo cáo của các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, 2,62% là tỉ lệ chi tiêu trung bình của doanh nghiệp thương hiệu quốc gia cho R&D sản phẩm (nghiên cứu và phát triển). Còn theo đánh giá của Bộ Khoa học và công nghệ, con số này chỉ là 1,6% đối với tỷ lệ trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Điều này cho thấy các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia đã có ý thức hơn trong đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, thể hiện tính tiên phong của các doanh nghiệp”, ông Chiến nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Khoa học và công nghệ, Việt Nam mới chỉ đầu tư 0,4% GDP cho R&D của Việt Nam, trong khi các nước xung quanh như Thái Lan là 1,3%, Singapore là 2,2%, Malaysia là 1%, Trung Quốc 2,64%, Nhật Bản 3,7%.

Đặc biệt, 100% doanh nghiệp thương hiệu quốc gia có bộ phận R&D và thường xuyên nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, 85% doanh nghiệp có sản phẩm mới ra mắt hàng năm (trong năm 2022 – 2023). Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Khoa học và công nghệ năm 2023, chỉ có 29,7% doanh nghiệp được điều tra có đưa ra sản phẩm đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Điển hình như Vinfast – doanh nghiệp tiên phong, đi đầu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, chế biến chế tạo ô tô theo hướng xanh, sạch. Theo đánh giá của Brand Finance, đây là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu vào top nhanh nhất thế giới, 142% tăng trưởng giá trị vào 2023. Hay Duy Tân phát triển mô hình tái chế nhựa và sản phẩm vật liệu tuần hoàn thúc đẩy kinh tế xanh.

Vinamilk phát triển từ một cơ sở sản xuất thiếu thốn trăm bề với chỉ một sản phẩm năm 1976, thành thương hiệu sữa số 1 tại Việt Nam hiện nay, với chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ trang trại tới bàn ăn. Nhờ đổi mới sáng tạo Vinamilk đã vươn lên thành thương hiệu sữa số 6 trên thế giới.

Do đó, ông Chiến nhận định: “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng, là yếu tố tích cực, hiệu quả để tạo nên thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp”.

Bổ sung thêm, ông Phú cho rằng doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã quan tâm đầu tư cho đổi mới sáng tạo, song để từ “chim sẻ” thành “đại bàng”, cần sự hỗ trợ thường xuyên, liên tục của Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh thay đổi liên tục như hiện nay, các chuyên gia cho rằng nếu doanh nghiệp không xác định được giá trị cốt lõi thì rất dễ mất phương hướng. Doanh nghiệp cần có sự chủ động khi lựa chọn công nghệ, sản phẩm, mô hình phù hợp, thay vì bị cuốn theo dòng chảy biến động của thị trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate