Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (Nghị định số 05).
Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
"Việc đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau", Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực hàng không; tránh chồng chéo giữa các quy định tại Nghị định này với các quy định về thẩm quyền, chức năng thẩm định của các cơ quan chuyên ngành về kiểm định và thiết bị viễn thông.
Theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 05, việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính từ Chính phủ xuống Bộ Giao thông vận tải, từ Bộ Giao thông vận tải xuống Cục Hàng không Việt Nam và từ Cục Hàng không Việt Nam xuống Cảng vụ hàng không, đối với thủ tục về mở cảng hàng không, sân bay, đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay, cấp/cấp lại/sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay; cấp/cấp lại giấy phép kinh doanh cảng hàng không; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không được sản xuất, lắp ráp, cải tiến tại Việt Nam.
Chẳng hạn, khoản 2 Điều 42 Nghị định số 05 hiện hành nêu rõ Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay đối với các trường hợp như: cải tạo, mở rộng, sửa chữa cần ngừng hoạt động của cảng hàng không, sân bay; giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay bị thu hồi; hay thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự cố, tai nạn hàng không và các tình huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn hàng không, an ninh hàng không.
Tuy nhiên, trong dự thảo đang lấy ý kiến, quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay lại được phân quyền về Cục Hàng không Việt Nam.
Về hồ sơ đề nghị đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay trong trường hợp cải tạo, mở rộng, sửa chữa kết cấu hạ tầng có thể gửi thông qua môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam, thay vì gửi trực tiếp đến Cục bằng hồ sơ giấy như trước đây.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định, quyết định việc đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay và gửi kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp.
Trường hợp không chấp thuận, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản trả lời người đề nghị, nêu rõ lý do.
Về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay thay vì gửi 1 bộ hồ sơ đến đến Cục Hàng không Việt Nam theo quy định hiện này, trong dự thảo lần này, các đơn vị sẽ gửi hồ sơ đến Cảng vụ hàng không…
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải dự kiến sửa đổi thành phần hồ sơ của thủ tục cấp, thu hồi biển kiểm soát phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung định nghĩa về dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), nội dung phục vụ hàng hóa thuộc loại hình dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Khoản 6 Điều 67 Nghị định 05 cho thấy việc chuyển hóa các quy định của ICAO về loại hình dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất chưa thật sự đầy đủ, đúng bản chất.
“Về mặt thực tiễn, các đơn vị phục vụ mặt đất đều phục vụ cả hành lý, bưu gửi và hàng hoá, đây là các quy trình đồng bộ trong quá trình khai thác. Vì vậy, quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất không thể thiếu các quy trình, hoạt động đối với đối tượng “hàng hóa” này”, Bộ Giao thông vận tải phân tích.
Đặc biệt, để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Nghị định dự thảo quy định không phải bất kỳ phương tiện chuyên ngành hàng không nào cũng cần có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn toàn kỹ thuật, ngoại trừ những phương tiện nằm trong danh mục quy định.
Cũng theo dự thảo nghị định, giấy phép kinh doanh cảng hàng không, giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không được sản xuất, lắp ráp, cải tiến tại Việt Nam đã cấp theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục có giá trị cho đến khi được cấp lại, sửa đổi, bổ sung hoặc bị thu hồi theo quy định của pháp luật.