Hoạt động xuất khẩu tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch giảm 12,1% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn chồng chất khi đơn hàng bị cắt giảm. Trước tình hình này, việc chuyển hướng kết nối, khai thác các thị trường khác được xem là hướng đi khả quan cho doanh nghiệp. Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức hơn 90 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...
MỖI DOANH NGHIỆP MỘT CÁCH VƯỢT KHÓ
Hội chợ xuất khẩu TP.HCM lần đầu được tổ chức trong tháng 6/2023 vừa qua đã thu hút khoảng 3.000 khách tham quan, bao gồm hơn 1.000 khách đến từ các quốc gia nhập khẩu trọng điểm (như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan) và nhiều đại diện mua hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đại diện Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết các chương trình xúc tiến xuất khẩu như HCM City Export 2023 là hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giao lưu, kết nối với khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy sau đại dịch.
Theo các chuyên gia, nông sản Việt có nhiều lợi thế của vùng nhiệt đới, nhưng xét về thị trường đầu ra chưa được rộng mở. Ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (Bình Phước), cho biết doanh nghiệp vừa có 4 ngày tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại tại tỉnh du lịch Mondulkiri, Campuchia.
Theo ông Đạt, có nhiều quốc gia hoặc địa danh còn chưa quen thuộc với người Việt nhưng trên thực tế nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm khá tiềm năng. “Hàng nông sản nội địa Campuchia sản xuất, chế biến chuyên sâu chưa nhiều, chủ yếu là nhập khẩu. Dự tính, Vinahe sẽ phát triển phân phối sản phẩm chủ lực là điều bể tẩm vị tỏi, ớt, bơ,... sang kênh siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại Mondulkiri”.
Gỗ cũng thuộc mặt hàng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường các nước khi phải áp các loại thuế quan. Theo ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam, cho rằng với những mặt hàng trang trí nội thất bằng gỗ càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có lợi thế, càng có nhiều thị trường ngách hơn, dễ hướng tới một số đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường EU. Hoặc như sản phẩm ngách đang có nhiều triển vọng trong ngành gỗ là xuất khẩu viên nén, vừa giúp tận dụng phế phẩm ngành gỗ, vừa bù vào chỗ khuyết của xuất khẩu đồ gỗ giữa khó khăn về đơn hàng.
Với cách nhìn chuyển hướng thị trường, ông Huỳnh Thanh Lĩnh, Giám đốc XNK Công ty TNHH Hải Vương (Bình Định), nhìn nhận khó khăn và thách thức lớn nhất lúc này của công ty là thị trường thực phẩm chế biến đang co cụm, các thị trường chính như Mỹ, EU... gần như chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán xuất khẩu giảm mạnh, trong khi đó, chi phí sản xuất trong nước vẫn tăng cao. “Chính vì thế, mục tiêu lúc này của công ty là nỗ lực sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, duy trì thị trường, việc làm cho người lao động, đồng thời hoàn thiện hệ thống sản xuất, chờ thị trường hồi phục”, ông Lĩnh nói.
Tương tự, với cách nhìn của doanh nghiệp thủy sản có quy mô vừa, ông Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Hà Nội chọn giải pháp tập trung vào hoạt động gia công chế biến xuất khẩu, vì lĩnh vực này ít bị tác động hơn so với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp linh hoạt trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất cũng như cơ cấu hàng hóa gia công chế biến.
“Các chương trình kết nối doanh nghiệp trực tiếp hay chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại là rất hữu ích. Tuy nhiên, để biến cơ hội kết nối thành các hợp đồng thương mại, cần sự nhạy bén và khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của từng doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nhận định...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2023 phát hành ngày 24-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam