Trong hai ngày 8 và 9/11, Hội Quân dân y Việt Nam đã phối hợp với Viện Chiến lược và chính sách Y tế (Bộ Y tế), Viện Nghiên cứu đổi mới y tế Iverson (Trường Đại học Công nghệ Swinburne) tổ chức Hội nghị quốc tế về Y tế số.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến nhằm thu hút các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và nhà lãnh đạo trong lĩnh vực y tế số, chăm sóc sức khỏe để chia sẻ những chính sách, chiến lược, sáng kiến, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực y tế.
PGS,TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội quân dân y Việt Nam, cho biết: "chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với công nghệ số đã hiện diện trên khắp mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đây vừa là một cơ hội, đồng thời cũng là một thách thức cho tất cả các quốc gia trên toàn thế giới".
Tại Hội nghị, các đại biểu cho biết, đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ đã trở thành một trong những thách thức lớn làm bộc lộ những thiếu sót và hạn chế trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của các hệ thống y tế trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những thách thức này đòi hỏi Chính phủ các nước cần phải hành động thật mau lẹ nhằm củng cố hệ thống y tế để bảo đảm việc cung ứng các chăm sóc y tế thiết yếu không bị gián đoạn trong và sau Covid-19, đáp ứng được với những thách thức mới trong tương lai.
Trước đó, tại chuỗi hoạt động "Trải nghiệm giải pháp y tế số” được Hội Tin học Y tế Việt Nam tổ chức ngày 7/11, đoàn khách mời đã được trực tiếp tham quan mô hình ứng dụng bệnh án điện tử tại trung tâm tim mạch, khoa hồi sức tích cực Đại học Y Hà Nội. Tại màn hình hiển thị phần mềm, các y bác sĩ, nhân viên y tế đã xem được toàn bộ hồ sơ bệnh án, không cần mất thời gian tìm hồ sơ giấy, có sơ đồ giường trực quan, theo dõi số lượng người bệnh nằm giường, tổng kết số liệu theo biểu đồ khoa học. Không chỉ thay thế phiếu chăm sóc người bệnh mà còn giúp quy trình cấp phát thuốc thực hiện hoàn toàn số hóa trên phần mềm.
Trong chuỗi sự kiện, người tham dự từ các cơ sở y tế còn được tham quan mô hình phòng khám chuyển đổi số kiểu mẫu thành công tại tổ hợp Y tế MediPlus. Đây là phòng khám tiên phong ứng dụng vòng tay định danh điện tử không giấy tờ, mọi thông tin người bệnh đều được tích hợp trên mã QR. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục, tra cứu kết quả cho người bệnh. Chương trình còn có buổi tọa đàm tham luận từ các chuyên gia về giải pháp y tế số, nơi các khách mời đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh phí... khi thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế tại Việt Nam.
Nhân dịp này, công ty cổ phần công nghệ ISOFH cũng đã giải đáp và giới thiệu về các giải pháp chuyển đổi số trên các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong sự kiện như: Emr - Hệ thống bệnh án điện tử; His – Hệ thống quản lý thông tin bệnh viện; Iris – Hệ thống quản lý nhà thuốc thông minh; Ivie Plus – Giải pháp chuyển đổi số cho các cơ sở y tế; Ivie - Bác sĩ ơi – Ứng dụng chăm sóc sức khỏe chủ động...
Kết thúc sự kiện, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam và Hiệp hội Tin học Y tế Việt Nam nhấn mạnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại ngày nay, có ý nghĩa quan trọng trong ngành y tế. Sự kiện lần này giúp mỗi bên hiểu rõ hơn về các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Y tế tại Việt Nam. Việc hợp tác hai bên sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Đồng thời, trong khuôn khổ triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) cũng đã tham gia triển lãm với thông điệp "Cung cấp dịch vụ y tế trên nền tảng dữ liệu số". Theo đó, trung tâm đang cùng các cơ quan liên quan đang đẩy mạnh triển khai các nền tảng số y tế, trong đó tập trung thúc đẩy triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và nền tảng quản lý trạm y tế xã.
Trong đó, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe và cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 vừa qua như một cú hích thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và đạt được nhiều thành tựu to lớn trọng tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực y tế. Do đó, ngày 22/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5316/QĐ-BY phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là phát triển nền tảng cho chuyển đổi số; phát triển Chính phủ số; kinh tế số, xã hội số và y tế số.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thành công trong việc triển khai những giải pháp y tế số đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về bối cảnh hệ thống y tế và công nghệ, quy trình chăm sóc, chính sách cũng như các hướng dẫn thực hành tốt của quốc tế. Đồng thời, cũng đòi hỏi sự hợp tác giữa Chính phủ, giới học thuật, các nhà lâm sàng, những người đổi mới, nhà đầu tư và lãnh đạo kinh doanh trong ngành y tế. Vì thế rất cần sự vào cuộc, tập trung nguồn lực, trí tuệ của toàn ngành y tế, của người dân và doanh nghiệp, cũng như sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.