Theo Ngân hàng Barclays (Anh), lĩnh vực thuốc giảm cân đang phát triển mạnh và có khả năng đạt giá trị 100 tỷ USD vào năm 2030, khi căn bệnh này dần trở thành vấn nạn của nhân loại. Một số các tổ chức khác đưa ra những ước tính khiêm tốn hơn. Nhà phân tích dược phẩm của Citi là Pete Verduit đưa ra dự đoán ngành công nghiệp chống béo phì có thể trị giá 50 tỷ USD vào năm 2030. Tương tự, Morgan Stanley đưa ra con số 54 tỷ USD vào năm 2030 trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2022.
NGUỒN CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU
Tại Mỹ, cơn sốt thuốc giảm cân đang làm đảo lộn ngành công nghiệp ăn kiêng và đặt ra những câu hỏi mới về cách người tiêu dùng sẽ ăn uống như thế nào. Các loại thuốc ngăn chặn cơn thèm ăn của bệnh nhân ngày càng được ưa chuộng, khiến năng lực sản xuất rơi vào tình trạng căng thẳng do không đáp ứng kịp nhu cầu.
Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán 24 triệu người, tương đương gần 7% dân số Mỹ, sẽ sử dụng các loại thuốc này vào năm 2035. Phố Wall thậm chí dự đoán tác động của thuốc giảm cân đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống, nhà hàng cũng như các cửa hàng thực phẩm.
Trong báo cáo công bố ngày 29/9 vừa qua, Sheila Kahyaoglu, nhà phân tích của Jefferies Financial, ước tính Công ty hàng không United Airlines Holdings (Mỹ) sẽ tiết kiệm được 80 triệu đô la tiền nhiên liệu mỗi năm nếu trọng lượng trung bình của hành khách giảm 10 pound (4,5 kg). Báo cáo này là một phần trong phân tích rộng hơn của Jefferies về cơn sốt của công chúng đối với thuốc giảm cân và những bên hưởng lợi tiềm năng khi lượng người sử dụng tăng mạnh.
Trong khi đó tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak cho rằng việc thí điểm sử dụng thuốc giảm cân mới và điều trị các bệnh liên quan béo phì sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện, giúp người dân sống khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ và giúp thực hiện ưu tiên của chính phủ là cắt ngắn danh sách chờ sử dụng Dịch vụ Y tế quốc gia.
Theo Reuters, châu Âu đang gặp đại dịch béo phì và điều này thể hiện ở việc người dân nơi đây đánh giá cao các công ty sản xuất thuốc giảm cân như thế nào. Đầu tháng 9/2023, Hãng dược Novo Nordisk đã vượt mặt Tập đoàn xa xỉ LVMH để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất tại thị trường chứng khoán châu Âu.
Sự tăng giá đáng kinh ngạc của cổ phiếu Novo Nordisk được thúc đẩy bởi 2 loại thuốc giảm cân “bom tấn” là Ozempic và Wegovy. Tổng doanh thu của công ty trong nửa đầu năm là 107,7 tỷ kroner Đan Mạch (xấp xỉ 15,5 tỷ USD), tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng kinh ngạc hơn là nền kinh tế Đan Mạch cũng được hưởng lợi từ sự thành công của Novo Nordisk. Theo số liệu thống kê chính thức, GDP của Đan Mạch tăng 1,7% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay, chủ yếu nhờ ngành dược phẩm. Jonas Peterson, nhà phân tích tại Cơ quan Thống kê Đan Mạch, cho biết sự phát triển của Novo Nordisk đang làm thay đổi bức tranh kinh tế đất nước này.
Lan sang cả châu Á, trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc như Douyin và Xiaohongshu, tràn ngập các bài đăng của người dùng về mũi tiêm Ozempic của Novo Nordisk. Thị trường thuốc giảm cân ở Trung Quốc được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới khi một báo cáo của chính phủ nước này cho biết hơn 50% người trưởng thành ở Trung Quốc bị thừa cân, với chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 24.
Tất cả các nhà sản xuất thuốc phương Tây và Trung Quốc đều muốn có một phần của thị trường đang bùng nổ này. Một loại thuốc giảm cân mới do Công ty nghiên cứu dược phẩm MindRank (Trung Quốc) phát triển với sự hỗ trợ của AI - đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Theo công ty có trụ sở tại Hàng Châu, loại thuốc này sẽ được bán trên thị trường sớm hơn nhiều so với thông thường. Hãng Pfizer hồi tháng 6 cũng cho biết họ đang ngừng phát triển thuốc điều trị béo phì và tiểu đường lotiglipron để tập trung vào loại thuốc giảm cân danuglipron...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2023 phát hành ngày 30-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam