Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) đang đẩy nhanh nghiên cứu phát triển “siêu cảng” trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ, TP.HCM trị giá hơn 870 triệu USD.
MỘT KHU VỰC “THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI”
Khu vực ven biển Cần Giờ nói chung, khu vực dự kiến làm “siêu cảng” Cần Giờ nói riêng, nằm tại vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió, nằm gần tuyến hàng hải quốc tế.
Đây là điều kiện quan trọng để hình thành hệ thống cảng và phát triển dịch vụ trung chuyển container quốc tế.
Theo lãnh đạo VIMC, việc hình thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn tại Cần Giờ sẽ tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh tế tại địa phương; phát triển logistics trở thành lĩnh vực mũi nhọn của TP.HCM. Cảng biển nước sâu này được định hướng đầu tư với khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, công suất thiết kế 15 triệu TEUs, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8 km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 570 ha.
Cũng theo VIMC, bên cạnh điều kiện tự nhiên và kinh tế, bài học kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đầu tư, khai thác hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế cũng cho thấy sự tham gia, đồng thành của các hãng tàu lớn, có mạng lưới vận tải toàn cầu là một trong những yếu tố cần thiết đóng góp cho sự thành công.
Hãng MSC có văn phòng tại 155 quốc gia, đội tàu kết nối tới 500 cảng biển toàn cầu. Sản lượng vận tải hàng năm đạt khoảng 23 triệu TEUs, sở hữu khoảng 60 cảng biển trên toàn cầu, năng lực khai thác hàng năm đạt trên 30 triệu TEUs (thông qua công ty con chuyên về khai thác cảng biển Terminal Investment Limited - TIL). MSC hiện là khách hàng, đối tác chiến lược của VIMC và hai bên đã có những nghiên cứu bước đầu đặt nền móng cho sự hợp tác phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.
Trên cơ sở đó, VIMC đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành xem xét, ủng hộ chủ trương Cảng Sài Gòn hợp tác với MSC thực hiện dự án đầu tư, khai thác cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ, TP.HCM.
CẦN NHIỀU CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐỂ TRIỂN KHAI
Vào tháng 10/2021, VIMC đã có đề xuất với Bộ Giao thông vận tải chủ trương đầu tư cảng container tại huyện Cần Giờ, TP.HCM với mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 870 triệu USD.
Trong chuyến công tác tại Pháp một tháng sau đó của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện của hai đơn vị là VIMC và hãng MSC đã ký Thỏa thuận khung hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho VIMC và nhóm nhà đầu tư trong 10 năm tới huy động nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD và thu hút hàng hoá từ các nước khác.
Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Cảng Sài Gòn và hãng tàu MSC đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ. Mới đây, VIMC đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để hiện thực hóa, đầu tư khai thác dự án cảng trung chuyển Cần Giờ.
VIMC kiến nghị cập nhật, bổ sung dự án cảng biển Cần Giờ vào các quy hoạch, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm dự án triển khai phù hợp với các quy hoạch liên quan.
Cụ thể, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2021, khu vực huyện Cần Giờ là các bến cảng tiềm năng thuộc nhóm cảng biển số 4. Các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng. Các bến cảng tiềm năng đón cỡ tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu khách 225.000 GT.
VIMC đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Luật Đấu thầu; hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, theo quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu; đồng thời giao Ủy ban nhân dân TP.HCM lập hồ sơ đề xuất áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ.
VIMC kiến nghị xem xét, sửa đổi Nghị định 86/2020/NĐ-CP ngày 23/7/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Theo đó, hoạt động mua tàu biển được thực hiện tương tự các quy định tại Khoản 1, Điều 22, Nghị định 171/2016/NĐ-CP trước đây.
Lãnh đạo VIMC cũng cho biết, trong hoạt động khai thác cảng biển, dịch vụ trung chuyển container quốc tế từ lâu đã trở thành chiến lược cạnh tranh quốc tế tại các quốc gia có biển. Dịch vụ này đã định vị các quốc gia và vùng lãnh thổ trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế khổng lồ thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới và là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.
VIMC cũng nhìn nhận, tỷ trọng hàng trung chuyển quốc tế qua cảng biển hiện còn thấp là tiềm năng, dư địa quan trọng để nghiên cứu phát triển dịch vụ này tại Việt Nam. Đây là điều kiện cần quan trọng để hình thành hệ thống cảng và phát triển dịch vụ trung chuyển container quốc tế.
Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2021 sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam, vào khoảng 23,9 triệu TEUs. Sản lượng này tập trung chủ yếu tại cảng biển TP.HCM, Vũng Tàu và Hải Phòng; trong đó chủ yếu là hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa. Tỷ trọng hàng trung chuyển quốc tế còn khá thấp.