Để làm được điều đó, Tp.HCM sẽ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.
QUY MÔ KINH TẾ LỚN HƠN MỘT SỐ NƯỚC TRONG KHU VỰC
Sau 46 năm giải phóng và sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế - xã hội của thành phố mang tên Bác đã có nhiều thay đổi và không ngừng phát triển lớn mạnh, hiện đại hơn khi thành phố ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Trong 5 năm qua, Tp.HCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quânn của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước và luôn là địa phương đóng góp lớn nhất cho ngân sách quốc gia.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM
Điều này thể hiện ở con số ấn tượng là quy mô kinh tế của Tp.HCM năm 2020 khi đạt mức 1,372 triệu tỷ đồng (tương đương 58,3 tỷ USD), dù tốc độ tăng trưởng GRDP năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bị chậm lại, chỉ tăng 1,39%. Giờ đây, quy mô kinh tế của Tp.HCM còn lớn hơn quy mô kinh tế của Việt Nam từ năm 2005 trở về trước, thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực (Lào 18,7 tỷ USD, Campuchia 26,5 tỷ USD, Brunei 10,6 tỷ USD – theo IMF).
Điều giúp cho Tp.HCM đạt được những thành tựu tích cực kể trên chính là kết quả của 35 năm đổi mới, đặc biệt nhiệm kỳ 2016-2020, Tp.HCM đã tăng trưởng kinh tế khá nhanh, chất lượng tăng trưởng tốt, bình quân giai đoạn 2016-2020 ở mức 6,41%/năm, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách của cả nước (theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Tp.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2025).
TRỞ THÀNH NHỮNG TRUNG TÂM KINH TẾ LỚN CỦA CẢ NƯỚC
Tp.HCM còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước... Đặc biệt, các yếu tố nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, cải thiện chất lượng tăng trưởng của thành phố; trong đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) liên tục tăng, gấp hơn 2,6 lần; GRDP bình quân đầu người gấp hơn 2,4 lần bình quân cả nước, cuối năm 2020 đạt 6.328 USD/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học – công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng cao, sản xuất nông nghiệp dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, năng suất cao gấp 3 lần bình quân cả nước.
Các ngành dịch vụ phát huy hiệu quả vai trò là ngành mũi nhọn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,59%. Giá trị gia tăng dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân 33% toàn ngành, ngành du lịch thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước...
Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử tại Tp.HCM rất sôi động, tỷ trọng doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hoá lên tới 8,14%.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 145% GRDP, kinh tế thành phố có độ mở thương mại lớn. Quy mô xuất khẩu chiếm 15% cả nước. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước tăng 8,94%, khu công nghệ cao thành phố có tổng giá trị xuất khẩu 5 năm qua ước đạt 63,6 tỷ USD. Theo đó, ngành vận tải kho bãi cũng hoạt động tích cực, chiếm 9,8% GRDP.
Trong thời gian qua, Tp.HCM tích cực ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh từng bước được triển khai. Dù ngành sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% GRDP nhưng được phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại. Tốc độ tăng trưởng giá trị giá tăng bình quân ngành nông nghiệp 5 năm qua đạt 4,72%/năm, cao hơn bình quân cả nước 2,5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất nông nghiệp năm 2019 đạt 550 triệu đồng/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/năm).
Ngành sản xuất công nghiệp của thành phố cũng có tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua ở mức 5,51%, đứng đầu cả nước, hiện đang chiếm 17,93% GRDP.
Là một thành phố năng động, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư tư nhân. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân chiếm 33,5% GRDP, vượt kế hoạch đề ra là 30%. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nhà nước, chỉ còn 16,7%, tăng tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước lên 69,1%, tỷ trọng khu vực FDI giữ ổn định 14,2%.
Sự đầu tư mạnh của vốn tư nhân cũng cho thấy sự đóng góp của doanh nghiệp ngoài nhà nước vào tăng trưởng GRDP của thành phố cao nhất, tới 55%, góp phần quan trọng dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.
Khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) cũng liên tục gia tăng đầu tư với mức tăng trưởng bình quân gần 8,6%/năm, lũy kế giai đoạn 2016-2020 đầu tư mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần là 29,2 tỷ USD, đóng góp 18% GRDP của thành phố.
Thành phố cũng đi đầu trong cải chất lượng trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến khi triển khai hệ thống một cửa điện tử. Một số tiện ích đã được cung cấp cho người dân thông qua cổng thông tin hoặc ứng dụng trên điện thoại di động... Tp.HCM đã xây dựng kho dữ liệu mở, trung tâm điều hành thông minh, trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội... để trở thành thành phố thông minh.
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CƠ CẤU KINH TẾ
Hiện nay, ngành dịch vụ đóng góp lớn nhất vào sự phát triển kinh tế của thành phố, chiếm tới 62% GRDP. “Cơn bão” Covid-19 khiến ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch bị tác động nặng nề nhất, đã có khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động.
Do đó, thời gian tới, cơ cấu kinh tế thành phố sẽ tiếp tục theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nhưng sẽ cân đối các khu vực hơn khi gia tăng sự đóng góp từ khu vực công nghiệp - xây dựng lên 39% - 41% (hiện là 24%), chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tỷ trọng ở mức 0,74% - 0,78% (hiện là 1%).
Với vai trò là “đầu tàu” kinh tế, Tp.HCM đóng góp vào thu ngân sách lớn nhất tới 27% tổng ngân sách quốc gia, song chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2019 chỉ còn 18% so với 23% trước đó, thành phố phải cân đối ngân sách để phân bổ hợp lý.
Tp.HCM tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó, tập trung phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao, như ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch... cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị....
Để đạt được mục tiêu này, nhiệm kỳ 2021 - 2025, thành phố đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% vào GRDP đến năm 2025; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên...