Ngày 21/5, thảo luận dự Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, góp ý thêm về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ và phí sử dụng đường bộ.
Về các loại phí sử dụng đường bộ, đại biểu Quốc hội nhất trí với sửa đổi bổ sung và nội dung giải trình nhưng đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân vào một số khu vực đô thị trong khung thời gian nhất định.
Như vậy, để hạn chế phương tiện cá nhân phát triển quá mức, giảm tắc nghẽn. Mặt khác, bổ sung nguồn thu cho Nhà nước để phát triển kết cấu giao thông đường bộ, giao thông công cộng.
"Hiện có 5 tỉnh, thành được thí điểm áp dụng thu các loại phí chưa được quy định trong luật và một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành đề án thu phí nội đô, phí kẹt xe nhưng vì chưa có luật quy định nên việc áp dụng còn dè dặt".
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.
Do đó, đề nghị bổ sung loại phí này vào Luật Đường bộ, các pháp luật về phí và giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về phạm vi địa bàn, đối tượng áp dụng.
Về quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng trong dự thảo, bà Thuỷ cho rằng quy định là quá chi tiết, có một số nội dung chưa sát thực tế, có những nội dung không phù hợp với xu thế tương lai.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có điều chỉnh về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ tương tự ở mức được quy định trong dự thảo luật.
Tuy nhiên, đây là mức để đánh giá phân loại với đô thị mới thành lập, hoặc trường hợp cần đánh giá lại đô thị hiện hữu chứ không phải mức tất cả đô thị phải đạt ngay. Thực tế, ngay cả đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, tỷ lệ đất cho kết cấu giao thông mới chỉ 13%.
"Việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho giao thông như mức dự kiến trong dự thảo luật để áp dụng ngay với tất cả các đô thị bao gồm cả hiện hữu và hình thành mới là không công bằng. Trong khi đó, nếu không kèm theo chế tài để xử lý thì không khả thi", đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Mặt khác, đất đô thị ngày càng có giá, chi phí ngày càng đắt đỏ. Đại biểu lấy dẫn chứng hiện nay, TP. Hà Nội dự kiến mở rộng đường Láng - Ngã Tư Sở dự kiến cần gần 5.000 tỷ/km đường.
"Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, lập dự án phát triển đường đô thị hiện nay cũng khó khăn nên các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng xây mới mà cần tập trung vào tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông đa tầng khối lượng lớn", bà Thuỷ đề xuất.
Hiện có chục tỉnh thành dự kiến quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị, tàu chạy ngầm và tàu trên cao. Nếu quy hoạch hiệu quả thì diện tích đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị không nhất thiết phải giữ ở mức cao, có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn.
Do đó, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị không quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu của từng loại đô thị, chỉ cần ghi phù hợp với tiêu chuẩn và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan của loại đô thị tương ứng để đảm bảo tính tương ứng.
Theo đại biểu, các vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị cần tiếp tục phải làm rõ.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lã Thanh Tân, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, cho rằng hiện nay vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập. Do đó, cần bổ sung quy định về tỷ lệ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị bao gồm: đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, điểm đỗ dừng đón, trạm trả khách cho xe bus…
Liên quan đến Điều 13 về đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu Hà Phước Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, nêu rõ theo quy định hiện nay của Bộ Giao thông vận tải thì không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu đỗ xe trên địa bàn thành phố rất lớn, việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản tại Điều 13 của dự thảo Luật.
"Theo đó, cần quy định cụ thể uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới cầu cạn đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động khác phù hợp với hoạt động thực tế của địa phương", đại biểu đề xuất.